, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 23/02/2023, 19:00

Về làng thăm Bảo tàng Mỹ thuật

CẨM HÀ
Không chỉ tự hào về một làng quê khang trang sạch đẹp “đã đạt chuẩn Nông thôn mới ngay từ đợt đầu”, ông Nguyễn Ngọc Nho, Trưởng thôn Cổ Đô, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Cổ Đô không giấu được niềm vui khi chúng tôi hỏi thăm về Bảo tàng mỹ thuật của làng mình. Ăn vội bữa cơm trưa, ông sốt sắng đưa chúng tôi đến bảo tàng, giới thiệu cặn kẽ, tỉ mỉ về từng bức tranh…
Ông Nguyễn Ngọc Nho giới thiệu về Bảo tàng.

Chiếc nôi mỹ thuật xứ Đoài

Bản thân cũng là một hoạ sĩ tự học, sinh ra lớn lên và suốt đời gắn bó với quê hương, ông Nho bảo, có lẽ vị trí đặc biệt của ngôi làng đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Làng Cổ Đô (1 trong 4 thôn thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội) cách trung tâm Thủ đô chừng 70km, nằm bên bờ sông Hồng. Cách đó không xa là bến Trung Hà - nơi sông Đà và sông Hồng hợp lưu. Ngôi làng cổ trù phú này đã sản sinh, nuôi dưỡng nhiều nhà khoa bảng, nhà thơ và đặc biệt là rất nhiều họa sĩ. Nhiều người được học hành bài bản, thành danh như họa sĩ lão thành Sỹ Tốt, rồi Sỹ Tuấn, Sỹ Thiết, Sỹ Luân, Sao Mai, Ngô Bình Thiểm, Giang Khích, Trần Hòa, La Vuông, Quang Trung, Nguyễn Thạch, Nguyễn Huy Khôi, Nguyễn Ngọc Cũi… Trong số hội viên của CLB Mỹ thuật Cổ Đô hiện cũng có đến 12 người là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. 

Đáng nói hơn, không hiếm người đã và đang say sưa cầm cọ vẽ ở ngôi làng này là những thầy giáo dạy vẽ khiêm nhường và những nông dân chân chất, đến nay vẫn sống và làm việc ở làng. 

Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô nằm ở con đường cùng tên – một con đường dù đã được bê tông hóa khang trang, nhưng vẫn mang dáng dấp làng quê Bắc bộ, một bên viền bằng những vạt hoa đầy màu sắc, một bên là hàng cây soi bóng xuống mặt ao. Không khó để bắt gặp ở đây những chú bò thong thả đi ngang, những chiếc xe chở mạ xuân chuẩn bị xuống đồng… Bảo tàng đang lưu giữ hàng trăm bức tranh của các họa sĩ, cả chuyên nghiệp và không chuyên. Mỗi năm những bức tranh từ Bảo tàng này cũng mang về cho các họa sĩ hàng trăm triệu đồng. 

Ông Nguyễn Ngọc Nho kể, năm 1994, Cổ Đô tổ chức triển lãm “Sắc màu quê hương” lần thứ nhất, khi đó Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô còn chưa được xây dựng. Mơ ước có một bảo tàng để lưu giữ, quảng bá các tác phẩm nghệ thuật của các thế hệ họa sĩ làng đã trở thành hiện thực 14 năm sau - năm 2008. Từ đó đến nay, CLB đã 6 lần tổ chức triển lãm “Sắc màu quê hương”. 

Điều thật đáng quý là dù đã lập nghiệp xa quê, thậm chí có người sinh sống, làm việc ở nước ngoài, nhiều họa sĩ gốc Cổ Đô vẫn giữ mối liên hệ mật thiết với CLB. Họ thường xuyên trao đổi tin tức và mỗi khi có dịp, vẫn tham gia các chuyến đi sáng tác “offline” được CLB tổ chức mỗi năm một đôi lần bằng kinh phí do các hội viên tự đóng góp và trích một phần từ tiền bán tranh.

Thầy giáo Phùng Văn Đức hướng dẫn học sinh luyện vẽ.

Vun xới những mầm non tài năng 

Đáng nói là tình yêu mỹ thuật được nhiều thế hệ họa sĩ Cổ Đô chú trọng trao truyền cho các thế hệ sau. “Có đến 2/3 số giáo viên dạy vẽ ở mọi cấp học của huyện Ba Vì là người làng Cổ Đô chúng tôi”, ông Nho nói.

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô, từ năm 2018 đến nay đã tổ chức đào tạo cho hàng trăm con em trong làng và các xã lân cận. Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, năm 2022, CLB đã tổ chức được 2 lớp vẽ, mỗi lớp trên dưới 50 học sinh. Theo thầy giáo – họa sĩ Phùng Văn Đức, cứ mỗi mùa hè, Bảo tàng lại tổ chức dạy vẽ miễn phí cho các em nhỏ thuộc nhiều lứa tuổi, có qua thi tuyển hẳn hoi. 

Gần đây nhất, ban giám khảo cuộc thi tranh thiếu nhi với chủ đề “Hạ Long miền di sản” đã trao giải thưởng cho 26 tác phẩm, thì có tới 17 bức là của thiếu nhi Cổ Đô. Trong đó có 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 13 giải Khuyến khích. Giang Hồng Chi, học sinh lớp 8 trường THCS Cổ Đô, vừa được nhận giải Nhì tại cuộc thi tranh vẽ về Hạ Long cho biết, em theo học lớp vẽ tại CLB đã 4 khóa, hoàn toàn miễn phí. Bố mẹ em là nông dân, gia đình cũng không có ai làm mỹ thuật. 

Hẳn là những bài học đầu tiên về mỹ thuật mà Chi và các bạn em nhận được nơi đây sẽ là một thứ keo gắn kết họ với quê hương chôn nhau cắt rốn của mình, dù các em có trở thành họa sĩ chuyên nghiệp hay không và lập nghiệp ở đâu. 

Theo ông Nho, một dự án mở rộng, nâng cấp bảo tàng để tổ chức thêm nhiều hoạt động phong phú khác, với kinh phí 20 tỷ đồng sẽ được triển khai từ nay đến năm 2025. Nằm trong chương trình phát triển văn hóa – du lịch của thành phố Hà Nội, dự án sẽ phát triển thêm nhiều phòng học vẽ và không gian trưng bày, không gian trải nghiệm cho các họa sĩ nhỏ… Cổ Đô nói chung và những hoạt động mỹ thuật ở Cổ Đô nói riêng sẽ được biết đến nhiều hơn, người họa sĩ già chia sẻ tâm nguyện. 

… Và chúng tôi cũng tin như thế.

Cổ Đô trước có tên là An Đô, sau đổi là An Bang, thuộc huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, Hà Nội). Làng Cổ Đô xưa nổi tiếng với nghề dệt lụa (từng là sản vật tiến vua); nghề làm bún và đặc biệt có truyền thống hiếu học, yêu chuộng nghệ thuật. Đường làng ngõ xóm đều được đặt tên như nội đô, đặc biệt là có tới 2 bảo tàng mỹ thuật. Ngoài bảo tàng mỹ thuật chung của CLB Mỹ thuật Cổ Đô, còn có Bảo tàng Sỹ Tốt, lưu giữ những tác phẩm của Hoạ sĩ Sỹ Tốt và thành viên gia đình, hiện do người cháu nội của hoạ sĩ quản lý. Hoạ sĩ Sỹ Tốt tên đầy đủ là Nguyễn Sỹ Tốt (1920 - 2002), đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất