, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 16/02/2024, 06:00

Vẽ một loài "cỏ" xanh... bền như thép

QUỲNH THƯ
Dưới đây có thể được xem là phần nối dài của bài tản mạn về cây tre Việt Nam trong số báo này, vãn chuyện cây tre trên thế giới hầu bạn đọc nhân mùa xuân về.

Các bạn vào công cụ tìm kiếm Google, thử gõ “Tallest grass in the world” (loài cỏ cao nhất thế giới). Và câu trả lời sẽ làm nhiều bạn ngạc nhiên: “Actually, bamboo” (Thật ra, đó là cây tre).

Chiều cao của cây tre thì chắc chúng ta đã quá quen rồi. Thông thường, tre cao từ ba đến năm mét. Có một số loài tre cao đến 20 - 25 mét khi trưởng thành. Cây tre nào cao nhất Việt Nam? Bạn đọc rành cổ tích nước nhà có thể sẽ trả lời là “khắc nhập, khắc xuất – cây tre trăm đốt”. Liệu thế giới này có “cây tre trăm đốt” hay không? Xin thưa rằng: có hay không thì không biết, nhưng “vua” về chiều cao của tất cả các loài tre đo được đến 42 mét – theo Revive Garden, một website chuyên về trồng cây trong vườn ở bang California, Mỹ (1)!

Bạn hết nghi ngờ gì về chiều cao rồi phải không? Nhưng còn “cỏ” thì sao? Thân tre cứng ngắc thế kia, cỏ thế nào được!

Đúng là thân tre xanh cũng cứng như gỗ, chứ đừng nói gì tre già. Nhưng về phân loại thực vật, các loài tre được xếp vào phân họ Tre (Bambusoideae), họ Hòa thảo (Poaceae, còn gọi là họ Lúa), bộ Hòa thảo (Poales, còn gọi là bộ Cỏ hay bộ Lúa). Hòa thảo là một bộ gồm nhiều loài thực vật phần lớn là thân thảo, ít khi thấy ở dạng cây thân bụi, cây thân gỗ hay dây leo. Về mặt kinh tế, họ Hòa thảo rất quan trọng đối với nhân loại vì có mặt ngũ cốc, bao gồm lúa, lúa mì, ngô, kê và lúa mạch. Về mặt phân loại và nguồn gốc, dù tre có thân gỗ nhưng nói nó là loài cỏ thì không sai. Và vì sao tre lại là một loại “cỏ” sẽ được giải thích thêm ở phần cuối bài viết này.

Phân họ Tre, với khoảng 1.400 loài, phân bố khá rộng rãi trên thế giới, nhưng tập trung nhiều nhất ở Đông Nam Á và Đông Á. Người Việt chúng ta không lạ gì cây tre. Nhiều dân tộc Á châu khác cũng vậy. Họ cũng có nhiều câu chuyện và truyền thuyết thú vị về cây tre không thua gì Cây tre trăm đốt của Việt Nam.

Chẳng hạn – nếu người Việt có truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên – người Philippines tin rằng cả đàn ông và đàn bà sinh ra từ các mắt của đốt tre. Còn đối với người Trung Quốc, tre là một biểu tượng cho văn hóa và các giá trị; họ cho rằng nơi nào không có tre thì không đáng sống. Tre có vị trí đáng kể trong văn hóa truyền thống tại quốc gia này, nơi mà vào khoảng 400 năm trước Công Nguyên, tre đã được dùng để làm giấy.

Trong khi đó, cây tre là dấu hiệu của thịnh vượng ở Nhật Bản, và tượng trưng cho tình bằng hữu ở Ấn Độ. Bên cạnh các câu chuyện và truyền thuyết, cây tre ở các nước châu Á còn chia sẻ một điểm chung nữa. Đó là sự tôn trọng của con người dành cho một hệ sinh thái tự nhiên (2).

Researchgate, một website chuyền về nghiên cứu có trụ sở ở Berlin, Đức, liệt kê một danh sách gồm 52 quốc gia trên thế giới với nhiều loài tre nhất (3). Trong số này, 10 nước dẫn đầu về số lượng loài gồm: Trung Quốc, Brazil, Úc, Mexico, Mỹ, Venezuela, Ấn Độ, Columbia, Panama và Nhật Bản. Tre Việt Nam đứng thứ 11 và bốn vị trí tiếp theo sau gồm Thái Lan, Peru, Ecuador và Myanmar.

“Trùm tre” của thế giới là Trung Quốc với gần 700 loài khác nhau. Brazil đứng thứ hai với khoảng 400 loài. Chiếm vị trí thứ ba và thứ năm gồm hai cái tên, theo thứ tự, chắc sẽ làm nhiều người bất ngờ: Úc và Mỹ. Nhưng bất ngờ đó sẽ biến mất khi chúng ta biết rằng phần lớn trong số khoảng 170 loài tre ở Úc và 120 loài ở Mỹ được du nhập, nhất là trong trường hợp Úc với tỷ lệ hơn 90%.

Cũng theo danh sách trên của Researchgate, Việt Nam có gần 100 loài tre (đa số là bản địa), nhiều hơn một chút so với người láng giềng Thái Lan. Còn theo một số tài liệu trong nước, chúng ta đứng thứ tư trên thế giới về diện tích tre trúc, với khoảng 70 loài đã được định danh, trong khi số lượng loài chưa được xác định vẫn rất đáng kể.

Những chuyện độc và lạ về tre trên thế giới thì vô kể. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ hầu ba chuyện mà theo người viết vừa rất thời thượng vừa bức thiết cho sự tồn tại của nhân loại – đó là xanh, bền vững và đoàn kết.

Trước hết, thế giới tương lai phải là thế giới xanh. Thực vật mang lại màu xanh cho địa cầu của chúng ta. Ở Việt Nam, hình ảnh lũy tre xanh ngày nay không những là một biểu tượng mà còn là điều thiết yếu giúp chống lại biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Màu xanh của cây tre tiêu biểu cho sức sống mãnh liệt của loại cây này. Một số loài tre có thể dài thêm 91cm chỉ trong một ngày, hay gần 38 milimét mỗi giờ! Thậm chí, nếu đủ kiên nhẫn quan sát, bạn có thể nhận thấy một số đốt tre dài thêm ngay trước mắt.

Tre không chỉ lớn nhanh để đạt kích thước trưởng thành sau vài năm (so với hàng chục năm ở nhiều loài cây thân gỗ), mà tre còn sống lâu. Nhiều loài tre có tuổi thọ bốn, năm thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ. Trong suốt vòng đời, loại “cỏ” này không ngừng bồi đắp mảng xanh cho nhân loại, ít nhất bằng hai cách.

Thứ nhất, tre hấp thụ nhiều khí CO2 hơn trên cùng một diện tích so với nhiều loài thực vật khác. Khi được trồng và thu hoạch đúng mức, mỗi bụi tre có thể hấp thu gần 1,8 tấn CO2 mỗi năm. Như vậy, một héc-ta tre có thể hấp thụ từ 62 đến 155 tấn CO2 mỗi năm. Khả năng này của tre cao gấp 10 lần nhiều loại cây gỗ.

Thêm vào đó, mảng xanh của con người sẽ càng thêm xanh nhờ vào các lũy tre bởi vì khả năng làm mát của lượng ôxy tre thải vào không khí. Cây tre bơm vào không khí một lượng ôxy cao hơn 35% so với nhiều loại thực vật khác. Chính vì vậy, khi ở gần một bụi tre vào buổi trưa, người ta thường có cảm giác mát mẻ hơn.

Thế giới ngày nay vẫn cần đến phát triển, nhưng đó phải là phát triển bền vững. Ở góc độ này, tre là người bạn đồng hành. Cây tre không cần phân bón để phát triển và các đốt tre cũng chỉ cần một lượng nước vừa đủ để dài thêm, ít hơn nhiều so với lượng nước dành cho diện tích cỏ tương tự trong các sân gôn. Khả năng “tự bồi dưỡng” bằng cách sử dụng lá rụng của chính mình làm “phân bón” là một đặc tính của tre. Khác với phần lớn các biện pháp canh tác hiện nay, các gốc tre không cần đến thuốc trừ sâu, máy móc chạy xăng dầu hay các công trình thủy lợi tưới tiêu tốn kém.

Cũng nói về bền vững, cường độ chịu kéo của các đốt tre có thể sánh với thép. Trong vấn đề này, tre có thể trở thành một loại vật liệu xây dựng cho tương lai ở các quốc gia châu Á, nơi tre luôn có sẵn. Ví dụ, tre có thể là một lựa chọn thay thế cho gỗ trong một số trường hợp. Tại nhiều nước thu nhập thấp, tre đã được sử dụng rộng rãi trong xây dựng nhà ở giá rẻ.

Theo một bài viết trên archdaily.com, một website kiến trúc, nhiều thành phố châu Á phải đối mặt với các vấn đề môi trường, như ô nhiễm, nhiệt độ gia tăng, biến đổi khí hậu và thiên tai (4). Trong ngành xây dựng, tre có thể giúp chúng ta tìm lại bản sắc kiến trúc phương Đông. Từ ngàn xưa, tre đã có vị trí quan trọng trong văn hóa Á châu nhiệt đới. Tuy nhiên, người Á Đông hiện nay đã “học theo” kiến trúc phương Tây, chuộng các cấu trúc chỉ toàn kính và thép, vốn thích hợp hơn cho các nước ôn đới. Giờ đây, tre có thế giúp đảo ngược tình thế này.

Có thể thu hoạch một lũy tre chỉ sau từ ba đến năm năm so với từ 20 đến 30 năm ở phần lớn cây cho gỗ mềm (gỗ cứng còn lâu hơn nhiều, có khi đến cả thế kỷ). Về mặt khối lượng, cây tre sinh ra nhiều “gỗ” gấp sáu lần cây thông. Vì vậy, thay vì dùng gỗ mềm hay gỗ thông, thế giới có thể chọn tre để xây nhà, làm bàn ghế hay các vật dụng khác.

Có thể nói thêm vài con số cụ thể về mặt kinh tế. Ngành công nghiệp liên quan đến mây tre ở Đông Nam Á hiện cung cấp công ăn việc làm cho hơn 10 triệu lao động và tạo ra tổng doanh thu hơn 10 tỷ đô la Mỹ hàng năm (5). Do đó, có thể nói cây tre đã tạo ra sinh kế cho nhiều cộng đồng ở các quốc gia và góp phần vào công cuộc phát triển bền vững.

Bài viết nói trên của archdaily.com cho rằng sự cộng sinh giữa nguồn cung cấp tre nứa dồi dào ở khu vực Đông Nam Á và các biện pháp phát triển có thể được xem như là một chỉ dấu cho phát triển bền vững trong tương lai. Do đó, cần nhìn cây tre như một giải pháp thân thiện với môi trường nhằm tạo lập một tương lai bền vững hơn cho hành tinh và các thế hệ tương lai của chúng ta.

Trong bối cảnh một thế giới bất ổn như hiện nay, cây tre còn gợi ý rằng con người cần đoàn kết hơn bao giờ hết, thay vì chia rẽ để tranh giành quyền lợi.

Tre thường mọc thành quần thể hơn là tồn tại như một cá thể riêng biệt như nhiều loài thực vật. Vì là một quần thể “đoàn kết”, tre dùng năng lượng để phát triển bộ rễ và cây non (măng tre) vào mùa xuân. Măng tre nhô lên khỏi mặt đất và phát triển cao thêm, lớn hơn trong khoảng 60 ngày. Sau hai tháng, các thân tre tạm ngừng phát triển, năng lượng lại được dồn xuống bên dưới để phát triển các búp măng tre. Cứ thế, quá trình phát triển này tiếp tục để lũy tre ngày càng lớn hơn.

Có thể nói cách tăng trưởng của tre là một hình thức “đoàn kết”, trong đó các cá thể trong quần thể cùng phát triển, cây già không dành hết năng lượng, chèn ép cây non. Và đây cũng là sự khác biệt của tre so với đa số thực vật có hoa (6). Một khi một cây tre đã đạt mức trưởng thành (thường sau ba năm), các cây non mọc lên trong mỗi mùa xuân sẽ lớn lên với tốc độ cao hơn nhiều.

Người trồng có thể đốn tre với tần suất thích hợp mà không sợ tre chết. Trái lại, đốn tre như vậy lại giúp chúng phát triển tốt hơn vì kích thích sự ra đời của các mụt măng tre. Trong một xã hội, nếu sự hy sinh của một cá thể già mang lại lợi ích cho thế hệ trẻ, thì thử hỏi hy sinh đó có xứng đáng không? Cũng chính nhờ đặc điểm này, tre có thể trở thành nguồn lợi tái tạo một cách tự nhiên.

Đến đây, xin giải thích thêm một chút vì sao tre lại là “cỏ”. Về mặt sinh học, tre có bộ rễ chùm rất cạn (điển hình cho cây thân thảo (cỏ), với các thân rễ (rhizome)) thường chỉ tập trung nhiều nhất trong khoảng hai tấc dưới mặt đất. Phần còn lại của bộ rễ tre cũng chỉ đâm sâu xuống đất thêm bốn tấc nữa. Tuy nhiên, với mật độ dày đặc kinh khủng, bộ rễ tre có khả năng giữ lớp đất mặt rất lớn, giúp chống xói mòn đất một cách hữu hiệu.

Cuối cùng, xin nói thêm khả năng giữ đất của tre có được do sự “đoàn kết”, bài học quý giá cho cả thế giới bất ổn hiện nay. Thay vì đối đầu, chiến tranh, nhân loại hãy hướng đến hòa bình để địa cầu là môi trường sống đẹp đẽ, thân thiện, yên lành như bộ tranh mai – lan – cúc – trúc (tre) báo hiệu một mùa Tết nữa đã về. 

____

(1) https://revivegarden.com/worlds-tallest-grass/

(2), (4) https://www.archdaily.com/987054/why-bamboo-is-the-future-of-asian-construction#

(3) https://www.researchgate.net/figure/Number-of-bamboo-species-found-in-52-countries-and-islands-with-the-highest-bamboo_fig2_311908798

(5) https://www.bluestrike-group.com/post/sustainability-and-bamboo-usage-in-south-east-asia

(6) https://onetreeplanted.org/blogs/stories/bamboo

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất