, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 14/02/2024, 19:00

Dưới bóng tre xanh

TRẦN TRỌNG THỨC

Nửa thế kỷ trước đây nhà thơ Nguyễn Duy đã viết lên những vần điệu nặng tình với cây tre mà hẳn chúng ta còn nhớ về hình ảnh những vùng nông thôn nghèo khó và bình yên:

Tre xanh,

Xanh tự bao giờ ?

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh

Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?

Ở đâu tre vẫn xanh tươi

Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu...

Trong cấu trúc tự nhiên, làng xã ở nông thôn chúng ta từ xa xưa được bao bọc bởi những lũy tre dày đặc như một thành trì bảo vệ cuộc sống yên lành của người dân.

Hình ảnh rõ nét nhất về điều này đã được Pierre Gourou, học giả uyên bác người Pháp (1900 - 1999) bàn đến khi nghiên cứu địa lý nhân văn làng mạc miền Bắc nước ta vào thế kỷ trước, mà cây tre như một sự gắn bó với đời sống tinh thần lẫn vật chất của cộng đồng dân cư. Để rồi qua đó chúng ta có thể nghĩ đến một khắc hoạ về nền văn minh tre ở các vùng nông thôn Việt.

Quan niệm này cũng được hai học giả nổi tiếng, một ở miền Bắc là GS Trần Quốc Vượng và một ở miền Nam là GS Vũ Quốc Thúc, đề cập đến trong các giảng đường đại học.

Vẻ đẹp của làng quê cũng đã được đưa vào sách giáo khoa để lớp trẻ mới lớn cảm nhận được rằng luỹ tre xanh dáng vươn mộc mạc, cành lá giản đơn bao đời nay vẫn gắn bó với người nông dân. Cây tre ăn ở với con người đời đời kiếp kiếp từ ngày đứa trẻ lọt lòng mẹ nằm trong chiếc nôi, đến khi lìa đời thì cây tre lại là đòn gánh đưa quan tài xuống lòng đất.

Người ta thường nói “tre già măng mọc” không chỉ là khái niệm mang tính kế thừa, mà nhìn vào thực tế thì măng tre măng trúc là một chất liệu ẩm thực độc đáo của người Việt. Còn tiếng sáo diều bằng trúc là khúc nhạc làm nên chất lãng mạn của điệu nhạc đồng quê.

Tre có vai trò quan trọng trong đời sống lao động của người nông dân từ bước đầu cày bừa vỡ đất cho đến ngày thu hoạch với bao nhiêu công cụ giản đơn và hiệu quả. Thời xa xưa, dưới bóng tre, người nông dân xây nhà dựng cửa, vỡ ruộng khai hoang đều có tre theo cùng. Còn muốn truyền tin thì đã có Thằng Mõ với chiếc ống tre trong tay đi khắp làng xã. Bóng tre thấp thoáng trên những mái chùa mái đình nghiêm trang giúp gìn giữ được một nền văn hoá lâu đời.

Tre không chỉ là nguồn vui của tuổi thơ với những que chuyền đánh thẻ, mà còn là niềm khoan khoái của tuổi già với chiếc điếu cày tre đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên trong những giờ phút giải khuây với bạn bè.

Một bộ phim của điện ảnh Ba Lan cách đây mấy chục năm đã ca ngợi cây tre Việt Nam hàm ý cho rằng: gậy tre, chông tre mà chống lại được sắt thép của quân thù cũng là chuyện lạ. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác; tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín, tre hy sinh để bảo vệ con người, tre là anh hùng chiến đấu. Hồi năm 1979, trong cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc, rừng tre ở Lạng Sơn - Cao Bằng được vinh danh là đã làm tròn nhiệm vụ “che chở bộ đội, bao vây quân thù”.

Những câu chuyện về cây tre và con người xưa nay không bao giờ kể hết cho dù tốc độ phát triển đô thị và đời sống văn minh trong chừng mực đã làm cây tre mất dần thế đứng, quần thể rừng tre rừng trúc nay tỏ ra khiêm tốn hơn trong sự hội nhập vào cuộc sống kinh tế xã hội hàng ngày. Cây tre đang chen vai thích cánh trên con đường tìm kiếm ngoại tệ cho đất nước với mặt hàng mây tre lá. Sản phẩm mây tre lá còn nghèo nàn, vậy mà vẫn có mặt tại 160 nước, thu về gần 500 triệu đô-la Mỹ mỗi năm. Điều đáng mừng là tiềm năng xuất khẩu vẫn chưa khai thác hết, chỉ chiếm 3% mặt hàng này của thế giới nhưng cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 350.000 lao động nữ ở nông thôn và vùng núi.

Nếu nói về số lượng thì Việt Nam có diện tích tre rất lớn, đến 1.592.205 héc-ta, phân bố hầu hết các tỉnh trên cả nước, trong đó 37 tỉnh có diện tích trên 10 héc-ta. Tre Việt Nam rất phong phú và đa dạng, với hàng trăm loại trong đó có một số loại có giá trị kinh tế cao.

Những năm gần đây tre trúc đang làm đẹp thêm cho đất nước với những khu rừng mà nhiều người cho rằng cảnh đẹp và không gian như trong các bộ phim kiếm hiệp. Như rừng tre Mù Cang Chải được khám phá khoảng vài năm gần đây là một bức tranh thiên nhiên hoang sơ xanh mướt, hàng trăm nghìn tre trúc thẳng tắp sắp hàng. Rừng tre trúc Tịnh Viên trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, là một trong những khu bảo tồn lớn nhất nước ta. Đây là điểm đến cho khách du lịch giàu tâm hồn lãng mạn. Rừng trúc Hiệp Khách Lầu cách trung tâm Đà Lạt khoảng 2 cây số mang màu sắc cổ trang, hiện đang là nơi thu hút lớp trẻ.

Ngoài ra nhiều làng tre khác cũng đang được hình thành trong những năm gần đây. Chẳng hạn làng tre Phú An nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 35km không chỉ là khu bảo tồn tre tự nhiên lớn nhất cũng như sớm nhất tại Việt Nam mà còn là địa điểm du lịch xanh lý tưởng cho những ngày cuối tuần. Nơi đây lưu giữ khoảng 1.500 bụi tre nhiều giống loài khác nhau, hứa hẹn sẽ đem lại cho người yêu thiên nhiên nhiều điều lý thú.

Nhiều làng tre tương tự như vậy đang xuất hiện gần đây ở các tỉnh Miền Đông Nam bộ như một xu hướng phát triển du lịch có tính thời thượng. Hoá ra cây tre ngày hôm nay lại có thêm một nhiệm vụ thật là đáng quý.

Đọc một bài thơ sáng tác từ lâu của Nguyễn Duy cũng như nghe một bài hát cùng thời chúng ta càng thấm thía sự chung thuỷ giữa tre và người: Làng tôi, có cây đa cao ngất tầng xanh, có sông sâu lơ lững vờn quanh, em xuôi về Nam. Làng tôi, bao mái tranh san sát kề nhau, bóng tre ru bên mấy hàng cau, đồng quê mơ màng. (Chung Quân).

Từ lâu cứ mỗi độ Tết đến, người Việt chúng ta thường dựng cây nêu với ngọn tre cao trước đình chùa hoặc sân nhà, xem như biểu tượng thiêng liêng tránh những xui xẻo và mang lại may mắn cho năm mới.

Đó chẳng phải là bóng dáng của một nền “văn minh cây tre” chung tình gắn bó với con người như chúng đã từng nghe nói đến?

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.


Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất