, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 18/01/2017, 09:49

"Giữ lửa" nghệ thuật Khmer Nam bộ

HUỲNH LỢI

Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một do những tác động từ các loại hình giải trí hiện đại. Thế nhưng, một điều khá lạ là ở Trà Vinh, có nhiều bạn trẻ lại say mê theo học các bộ môn nghệ thuật của đồng bào Khmer Nam bộ với tâm nguyện là giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống lên tầm cao mới…

Các bạn trẻ tái hiện lễ cưới của đồng bào Khmer.
Các bạn trẻ tái hiện lễ cưới của đồng bào Khmer.

Say mê nghệ thuật truyền thống

Tối thứ bảy hàng tuần, từ một căn phòng nhỏ trong khuôn viên Trường Đại học Trà Vinh, luôn vọng ra tiếng đàn, hát…. Ở đó có nhiều bạn trẻ tuổi mới mười chín đôi mươi, nhưng khá rành về nghệ thuật truyền thống Khmer Nam bộ. Sơn Thị Ngọc Hân, 21 tuổi, ngụ xã Lương Hòa, huyện Châu Thành (Trà Vinh) bộc bạch: “Hồi còn học cấp 2, mỗi khi rảnh rỗi là em chạy qua chùa Lò Gạch để học đàn Tà Khê - một trong những nhạc cụ độc đáo của đồng bào Khmer. Ban đầu chưa hiểu nên học rất khó, tuy nhiên qua thời gian rồi quen dần và “mê” lúc nào không hay. Cũng vì yêu nghệ thuật này nên em thi vào Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ của Trường Đại học Trà Vinh”.

Cũng có “máu” đam mê nghệ thuật truyền thống từ nhỏ, nhưng không có điều kiện tiếp cận thường xuyên nên nữ sinh Lý Thanh Phương, 23 tuổi, ngụ xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) không rành lắm về đàn, hát. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp THPT thì Phương quyết định thi vào ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ của Trường Đại học Trà Vinh trước sự ngỡ ngàng của nhiều bạn bè trang lứa. “Vào đại học mà học nhạc cụ truyền thống khiến gia đình trăn trở, bởi khó xin việc làm và thu nhập không bao nhiêu. Vì vậy, gia đình muốn em thi vào ngành nghề khác để có tương lai hơn, nhưng em thuyết phục mãi, cuối cùng cha mẹ cũng bằng lòng. Sau 4 năm theo học các loại hình nhạc cụ truyền thống, bây giờ em khá rành về dàn nhạc ngũ âm, nhạc cưới, đàn cò, khưm, múa, hát…”, Phương tâm sự. Cũng theo Lý Thanh Phương, những điệu múa, hát… của đồng bào Khmer đang dần bị mai một do tác động của nhiều loại hình văn hóa hiện đại. Vì vậy, mong muốn của em là sẽ chung tay để giữ gìn và phát triển nó.

Nữ sinh Kim Sa Phép, sinh viên năm thứ 3, ngành Văn hóa, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ, Trường Đại học Trà Vinh lại rất mê môn nghệ thuật Chầm Riêng Chà Pây (nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer được Bộ VH-TT&DL đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia). Kim Sa Phép cho biết: “Chầm Riêng Chà Pây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo và phổ biến trong các phum sóc của đồng bào Khmer trước đây. Thế nhưng hiện nay, số người biết đàn hát Chầm Riêng Chà Pây ở ĐBSCL không nhiều và nguy cơ thất truyền rất lớn. Đáng lo ngại hơn là những người biết về nghệ thuật này đều đã cao tuổi. Do đó, em quyết tâm theo học Chầm Riêng Chà Pây để bảo tồn môn nghệ thuật quý giá này”.

Đào tạo bài bản về nghệ thuật và kiến thức

Câu lạc bộ Văn hóa- Nghệ thuật Khmer Nam bộ đã thu hút khoảng 50 bạn trẻ tham gia, tạo nên những đêm sinh hoạt sôi động, hấp dẫn. Theo Thạc sỹ Phạm Thị Tố Thy, Trưởng Bộ môn nghệ thuật (Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ, Trường Đại học Trà Vinh), vào câu lạc bộ, các bạn trẻ sẽ được trang bị thêm kiến thức, rèn luyện đàn, hát, múa… để nâng cao trình độ, tay nghề. Bên cạnh đó, còn tham gia biểu diễn tại các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, nhiều liên hoan ở các vùng miền… với các dàn nhạc hiện đại. Các thành viên cũng đã nhiều lần được VTV5 - Đài Truyền hình Việt Nam mời biểu diễn thu hình các tiết mục nghệ thuật Khmer.

Các bạn trẻ biểu diễn đàn Tà Khê, nhạc cụ truyền thống của đồng bào Khmer.
Các bạn trẻ biểu diễn đàn Tà Khê, nhạc cụ truyền thống của đồng bào Khmer.

PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh bộc bạch: “Cách đây hơn 10 năm, khi Đại học Trà Vinh được thành lập, chúng tôi đã xác định Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ là khoa trọng điểm của trường. Sau đó, khoa được Chính phủ phê duyệt là khoa đầu tiên và duy nhất trong cả nước đào tạo chính quy các chuyên ngành thuộc các lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam bộ. Đây chính là “nét riêng” của trường, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật Khmer Nam bộ”. Ông cho biết thêm, đối với ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống do rất “đặc thù” nên nhà trường có chính sách ưu tiên cho sinh viên theo học như: miễn học phí toàn khóa học, miễn 100% tiền ở ký túc xá, hỗ trợ sinh hoạt phí 450.000 đồng/tháng/sinh viên (10 tháng/năm học).

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đánh giá cao tỉnh Trà Vinh và Trường Đại học Trà Vinh về việc đã nhận thức được đặc thù của tỉnh, xây dựng, phát huy và bảo tồn văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ, góp phần vào việc bảo tồn văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Theo ông, Trường Đại học Trà Vinh cần tiếp tục sáng tạo để ngày càng phát triển, đưa nơi đây trở thành địa chỉ tin cậy định hướng về văn hóa đồng bào Khmer Nam bộ và cũng là nơi hợp tác giao lưu quốc tế về nền văn hóa Khmer của cả nước.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Người dân đón nhận chuyện tách nhập làng xã rốp rẻng bằng một tờ giấy A4, văn hóa lịch sử chịu phận “xếp tàn y lại để dành hơi” nhưng không thèm “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”.
Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm





Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất