, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 28/12/2016, 11:28

Tục "Cúng Việc Lề" của người Việt

ĐỨC THIỆN - DUY ĐOÀI

“Cúng Việc Lề” là một trong những sắc thái của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên rất độc đáo của người Việt. Tục “Cúng Việc Lề” hoàn toàn không diễn ra ở miền Bắc, chỉ xuất hiện ở một số địa phương thuộc khu vực miền Trung và đặc biệt nổi bật ở Nam bộ.

Hình minh họa.

Tại sao tục “Cúng Việc Lề” chỉ có ở miền Trung và miền Nam? Vì “Cúng Việc Lề” hay “Cúng Lề” (“Lề” có nghĩa là lệ cũ, là thói quen) là nghi thức đã thành lề thói, thành lệ của người Việt ở miền Trung và Nam bộ. Đây là một tín ngưỡng mang đậm dấu ấn thời khai hoang lập ấp của những lưu dân có gốc từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam.

Thời gian tổ chức Cúng Việc Lề thường là trong tháng Giêng hoặc sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương ở Long An tổ chức cúng trong lúc nông nhàn, hay ở Đồng Tháp tổ chức vào mùa cá…

Đồ để Cúng Việc Lề thường gồm có: cháo, gạo, muối, trầu cau, gà, bình hoa, trà, rượu. Bên cạnh đó, còn có các lễ vật cúng khác nhau tùy theo dòng họ. Ví dụ như ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi): họ Dương cúng ba con gà luộc, họ Phan cúng cá nướng nguyên con…; hay ở Đồng Tháp thì: họ Đỗ ở Cao Lãnh cúng 5 con ốc, họ Nguyễn ở Hồng Ngự cúng miếng da trâu luộc với 6 con ốc, họ Lê ở Lấp Vò cúng 3 con cá rô nhỏ để nguyên với 3 cục muối hột… 

Việc bày đồ cúng như vậy cũng mang một quy ước trong nghi lễ phù hợp với từng tộc họ. Đó là một “ký hiệu văn hóa” được thể hiện qua đồ cúng như là một sản phẩm của văn hóa, một biểu tượng của văn hóa chứa đựng những thông điệp của các thế hệ trong quá khứ, để sau này con cháu nhận ra người thân, họ hàng của mình.

Thành phần tham dự lễ Cúng Việc Lề gồm ông tộc trưởng làm chủ tế và các họ tộc trong chi phái nhỏ của dòng tộc tham dự. Vị trí đứng bái của các thành viên trong ban tế lễ được qui định rõ ràng. Trưởng tộc là người chủ tế đứng ở bàn thờ giữa và còn có hai người là bồi tế. 

Tục Cúng Việc Lề giữa cư dân người Việt ở miền Trung và miền Nam có một số điểm khác biệt. Chẳng hạn như ở Nam bộ thì Cúng Việc Lề là sự tái hiện lại cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực của ông bà, tổ tiên thời xưa đi khai hoang, mở cõi ở vùng đất này, thể hiện qua cách bày thức cúng chỉ dọn trên bàn hoặc chiếu trải dưới đất ngoài sân, chén bằng gáo dừa, đũa làm bằng thân cọng lác… Việc tổ chức cúng cũng có sự luân phiên nhau trong các chi phái của dòng họ. Còn ở miền Trung thì Cúng Việc Lề chỉ tổ chức ở từ đường của những dòng họ, kinh phí do các chi phái của tộc họ đóng góp với nhau dù ít hay nhiều.

Tục Cúng Việc Lề của người Việt cho thấy rằng, tuy sinh sống ở vùng đất mới nhưng họ vẫn luôn nhớ về cố hương, cội nguồn, muốn tìm kiếm lại lai lịch đích thực của mình nhưng không cần dựa vào những tiêu chuẩn của xã hội và giai cấp mà nó dựa vào huyết thống và di truyền sinh học, đúng hơn là di truyền văn hóa. 

Đây là việc làm mang tính giáo dục trong gia đình để kỷ cương, nề nếp gia phong truyền thống được bảo tồn, lễ nghi trật tự được tôn trọng. Từ niềm tin và ý thức của gia đình, gia tộc cội nguồn của mình trong đời sống tâm linh nên có vai trò góp phần trong  tổ chức cố kết cộng đồng, là sức mạnh cho cộng đồng. Nhờ yếu tố ý thức về cội nguồn để củng cố nâng cao giá trị đạo lý trong xã hội, để khi tiếp xúc với nền văn hóa khác không làm mất đi giá trị văn hóa của chính gia tộc hay dân tộc mình. 

Bên cạnh đó, tục Cúng Việc Lề còn thể hiện đạo hiếu. Vì tín ngưỡng này được cộng đồng người Việt ở miền Trung và ở Nam bộ coi như một tiêu chuẩn quan trọng về đạo đức truyền thống của gia tộc nên con cháu luôn tỏ lòng hiếu thuận, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, đó chính là tinh thần đạo hiếu.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất