, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 27/11/2023, 17:00

Miền Trung - Tây Nguyên: "Mỏ vàng" năng lượng tái tạo “nửa ngủ nửa thức”

TAM GIANG
Có đủ núi, biển, nên Miền Trung - Tây Nguyên được xem là nơi tụ hội của năng lượng tái tạo.

Đứng đầu danh sách này phải kể tới Ninh Thuận với 46 dự án, tổng công suất là 3.092 MW, trong đó điện mặt trời có 35 dự án, điện gió 11 dự án. Quảng Trị có 19 dự án  điện gió và mặt trời, trong đó dự án điện gió ngoài khơi Intracom vừa được Quảng Trị bổ sung vào qui hoạch, với mức đầu tư hơn 72 ngàn tỷ, công suất 1000 MW. Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên có đến 15 dự án án NLTT với tổng công suất hơn 4000 MW. Tại Quảng Bình có tổ hợp dự án điện năng lượng tái tạo Dohwa Lệ Thủy (huyện Lệ Thủy), mức đầu tư 55,6 triệu USD từ nguồn vốn FDI của Hàn Quốc, đi vào hoạt động tháng 4/2022, với tổng sản lượng phát điện của nhà máy đạt hơn 60.000 MWh; các dự án điện gió được triển khai như Điện gió B&T, Điện gió huyện Quảng Ninh (252 MW), Điện gió huyện Lệ Thủy (50 MW), Điện gió huyện Minh Hóa (180 MW)…

Tây Nguyên được đánh giá là khu vực cực kỳ thuận lợi cho NLTT phát triển. Chỉ riêng Đắk Lắk đã có 10 dự án điện mặt trời và 5.367 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà với công suất hơn 631 MW; 3 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 480 MWp và 22 dự án điện mặt trời với tổng công suất 8.768 MWp được UBND tỉnh trình trung ương bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Đối với điện gió, hiện nay tại đây đã có 2 dự án đi vào hoạt động với công suất 428,8 MW; 4 dự án đang triển khai thi công và 5 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng. Gia Lai có 4 khu vực tiềm năng điện gió rất lớn với công suất khoảng 1.800 MW, trong đó, khu vực phía Đông có thể đạt công suất 700 MW, khu vực phía Đông Nam là 400 MW, khu vực phía Tây là 600 MW.

Về điện mặt trời, Gia Lai có số giờ nắng bình quân 1.900 – 2.200 giờ/năm, bức xạ tổng cộng 335 – 380 Kcal/cm2 và số liệu bức xạ mặt trời trung bình ngày đưa vào tính toán từ 4,6 – 5,2 kWh/m2/ngày. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các dự án điện mặt trời trên địa bàn, quy mô công suất có thể đạt 7.500 MW. Đến nay Gia Lai có 7 dự án điện năng lượng mặt trời với tổng vốn 15.137 tỷ đồng và 17 dự án điện gió với tổng vốn 41.253 tỷ đồng được cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Chưa hết, với nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp rất dồi dào, Gia Lai đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 2 dự án nhà máy điện sinh khối bã mía tại Nhà máy Đường An Khê và Nhà máy Đường Ayun Pa với tổng công suất 144,6 MW... 

Lợi thế và tình thế buộc phải phát triển nguồn năng lượng tái tạo sẽ chẳng cần nói nhiều, khi các quốc gia, mà rõ nhất là Việt Nam, đã phải trả giá khủng khiếp cho sai lầm ào ạt phát triển thủy điện bằng việc ngăn sông, phá rừng tự nhiên. Ngoài việc tận dụng lợi thế tự nhiên mà hạn chế thấp nhất việc can thiệp xấu, thì các dự án năng lượng tái tạo đã tạo thêm việc làm cho người địa phương, sản xuất điện sạch, đi kèm phát triển hạ tầng lưới điện, giao thông, các công trình phúc lợi.

Riêng tại Ninh Thuận, năng lượng và năng lượng tái tạo đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh; giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm; đạt 9 - 10% công suất lắp đặt trong cơ cấu toàn quốc; tiêu thu đạt 20% sản lượng điện toàn tỉnh. Trong 9  tháng đầu năm 2023, giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước đạt 4.570,9 tỷ đồng tăng 13,8%; đóng góp 3,08% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện đóng vai trò quan trọng khi đạt 3.404 tỷ đồng, tăng 14,1%, đóng góp tăng trưởng 2,36% GRDP.

Tại Đắk Lắk, các dự án năng lượng tái tạo đã bổ sung nguồn điện ổn định và sạch cho hệ thống điện quốc gia khoảng 3,5 - 4 tỷ kWh/năm, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm cung cấp điện cho tỉnh Đắk Lắk và khu vực kinh tế trọng điểm vùng Tây Nguyên cũng như an ninh năng lượng quốc gia

Theo Bộ Công Thương, các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên có 175 dự án điện mặt trời được phê duyệt qui hoạch và bổ sung qui hoạch, với tổng công suất hơn 15.300 MW. 

Điểm danh chưa đầy đủ, nhưng cho thấy tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo ở miền Trung - Tây Nguyên rất lớn. Nhưng từ đây cũng nảy sinh nhiều chuyện chẳng vui vẻ gì. Khi câu chuyện thiếu điện căng thẳng vào mùa hè năm nay dâng cao, dư luận lại sôi lên với câu hỏi: tại sao các dự án năng lượng tái tạo không bán được điện? thì lúc đó mới lòi ra việc EVN nắm quyền sinh sát với một rừng thủ tục. Chuyện này còn dài, nhưng xét riêng ở góc độ nhà đầu tư, một lần nữa cho thấy lề lối làm ăn của các doanh nghiệp vẫn không tránh khỏi “cơn mê lợi nhuận” mà không lượng được sức mình.

Rất nhiều dự án điện gió tại Tây Nguyên làm xong nhưng không thể nghiệm thu, vận hành, bởi nhà đầu tư không có kinh nghiệm. Từ những năm 2020 - 2021, một loạt dự án điện gió được triển khai; tiến độ thi công được đẩy nhanh để hưởng giá ưu đãi (giá FIT). Làm nhanh nên sinh ra sai phạm về qui hoạch, người dân có đất bị thu hồi bất đồng với nhà đầu tư trong đền bù, nên tại Đắk Nông, có 6 dự án điện gió, nhưng rơi vào rắc rối nghiêm trọng, nên đến nay mới có 2 dự án hoàn thành, 1 dự án đang triển khai.

Tại Đắk Lắk, các dự án tại huyện Krong Buk cũng bị dân khiếu nại liên quan đến phạm vi hoạt động của cánh quạt, ô nhiễm môi trường do xe vận chuyển vật liệu, vi phạm cây trồng, làm nứt nhà dân mà chủ đầu tư không đền bù thỏa đáng. Tại Quảng Trị cũng đã xảy ra sự bất đồng giữa nhà đầu tư và dân địa phương tại các điểm xây dựng ở Ddarkrong và Hướng Hóa.

Về phía nhà nước, sau một thời gian quan sát, một số địa phương đã đề nghị rút lại nhiều dự án đầu tư, chứ con số ban đầu rất cao. Vấn đề này, theo ông Nguyễn Cảnh Nam, Ủy viên thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thì việc phát triển điện gió, điện mặt trời, đặt trong tổng thể qui hoạch quốc gia, còn sơ sài, chưa được quan tâm đúng mức. Các cơ quan chức năng mới chỉ tập trung về việc đánh giá tiềm năng chứ không phải qui hoạch, bởi có qui hoạch rõ ràng thì mới phát triển được.

Đến nay, chưa có qui hoạch điện mặt trời, nếu nó ra đời thì được đưa vào qui hoạch điện lực cấp tỉnh và quốc gia. Đây là nguyên nhân mà vài năm trước, các dự án ào ạt ra đời rồi rơi vào vũng lầy, đến nay chưa bước ra được. Chưa nói, qui định hướng dẫn thủ tục lập qui hoạch điện gió cũng giống như điện mặt trời. Sự đánh đồng, chung chung, thiếu chặt chẽ về kỹ thuật, kinh tế, tiềm năng các thứ này với nhau, là khó thực hiện. 

Tiềm năng rất lớn, nhưng phát triển không tương xứng, gặp nhiều điểm nghẽn từ cơ chế, chính sách, làm nản lòng các nhà đầu tư. Câu chuyện chính sách vĩ mô thiếu bước đi trước đón đầu, kiểu “thả gà ra đá” rồi mới tính chuyện con nào nuôi con nào thịt, con nào tự chết, đã làm cho cơ hội phát triển bỏ lỡ rất nhiều.

Nói đâu xa, việc thiếu thống nhất giá bán giữa nhà đầu tư và nhà nước, đã khiến một nơi như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vốn giàu tiềm năng điện gió, nhưng đến nay vẫn không có ai đầu tư, khi dự án đầu tư 11 năm trước của Đức định tiến hành, nhưng rồi họ thoái lui. Và, người mất quyền lợi nhiều nhất vẫn là dân và doanh nghiệp.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất