, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 29/07/2022, 14:32

"Sâm xứ Thanh"

LÊ XUYÊN
Bác Hai bê rổ rau má sang nhà, đánh tiếng gọi tôi từ đầu ngõ. Bác niềm nở kéo tay tôi, trao cho rổ rau rồi tóm tém cười: “Rau má vườn đấy! Cháu đem nấu canh hoặc xay lên cho lũ nhỏ uống nước. Mát lắm”. Tôi cảm ơn bác và tỏ ý không muốn nhận vì vợ chồng tôi chẳng có gì cho bác, thế mà bác cứ nay cho quả bưởi, mai cho mớ rau. Bác nắm lấy tay tôi, giọng ân cần: “Xóm giềng với nhau cả. Với lại, cây nhà lá vườn. Nhận cho bác vui”.

Vợ chồng tôi đều là người xứ Thanh, vùng đất một thời gắn liền với câu cửa miệng: “Ăn rau má phá đường tàu”. Cuộc sống hiện tại đã đỡ phần vất vả, bữa ăn có nhiều những món sơn hào hải vị thay vì đạm bạc dưa, cà, mắm, muối thuở nào. Thế mà rau má vẫn là món rau đặc sản được nhiều người dân quê tôi lựa chọn góp mặt trong mâm cơm của gia đình. Không chỉ ngọt mát, bổ dưỡng, rau má còn là cái tình, cái nghĩa với con người một thời khốn khó. Người dân nghèo quê tôi từng “Ước gì lá rau má to bằng lá sen, ăn một lá no cả ngày”. Tuy là tếu táo đấy, nhưng là thật, là mơ ước trần trụi của một thời ăn rau má thay cơm.

Ảnh minh họa.

Rau má có sức sống mãnh liệt. Dù trên nương rẫy, ngoài đồng bãi hay trong vườn nhà, dù nắng gió, khắc nghiệt chẳng cần sự chăm sóc của con người, rau má vẫn bám đất vươn lên tươi tốt. Chẳng cao sang, đắt đỏ như những loại rau khác, chỉ cần ra bờ ruộng, bờ mương (nếu ở quê), hay chỉ cần ba, bốn ngàn đồng ra chợ, các bà các mẹ có thể mua được cả mớ rau má về xay hay nấu canh đủ ăn cả nhà.

Ngày xưa, ngoài việc chăn bò, cắt cỏ rồi thì hái rau cho lợn, mẹ còn giao nhiệm vụ cho chị em chúng tôi phải gỡ rau má ngoài đồng đem về. Sau những trận mưa đêm, rau má tươi non, gốc trắng nõn. Phần non, khi mẹ dùng để ăn sống, khi dùng nấu canh; khi thì giã, lược lấy nước, khuấy với đường dùng làm nước giải khát. Phần già, mẹ đem phơi, sao qua lửa rồi dành để pha nước uống giải nhiệt. Trong số những món ngon từ rau má, tôi thích nhất món canh rau má mẹ nấu với tôm đồng.

Rau má mẹ chọn nấu canh thường là những lá non được hái một cách tỉ mẩn. Nấu canh ít khi dùng lá rau già, vì như thế, nồi canh không ngọt nước. Tôm đồng mẹ chọn nấu canh cũng thường là những con tôm vừa lớn, như thế, nồi canh sẽ ngọt ngon. Rau má được rửa sạch, cắt khúc, để ráo. Tôm đồng được mẹ sơ chế, cắt râu và bỏ đường chỉ đen trên lưng. Mẹ bắc nồi lên bếp, đợi nóng, cho thêm mỡ vào, phi qua hành khô vàng thơm và cho tôm vào xào qua. Khi tôm đã săn mình, mẹ đổ nước vào nồi vừa đủ bữa ăn. Đợi khi nước sôi, mẹ cho rau má vào, đun sôi thêm lần nữa rồi tắt bếp và nêm gia vị quen thuộc. Nồi canh rau má được nấu đơn giản thế thôi mà chị em tôi cứ tấm tắc khen. Vị rau má quyện với vị ngọt thanh của tôm đồng man mát nơi đầu lưỡi làm bữa cơm của gia đình tôi càng thêm ấm áp, vui vầy. 

Lập nghiệp ở phố nhưng canh rau má vẫn là món canh mà cả gia đình tôi yêu thích. Sau bữa cơm với canh rau má bác Hai cho, chồng tôi quyết định mua mấy cái chậu, đổ đầy đất. Rồi anh sang xin ít gốc rau má ở vườn nhà bác Hai về trồng. Bác Hai niềm nở khoe, đây là giống rau má mọc hoang ngoài bờ ruộng. Bác đi làm đồng, tiện tay đào gốc đem về trồng trong vườn nhà. Ban đầu chỉ là một đám đất nhỏ, dần thành luống dài. Giống rau má lá nhỏ, cọng nhỏ, ngắn, thân bò dài. Chỉ cần nhấc một gốc là lên cả chùm. Khi nấu canh, ăn sống hay xay uống nước thì đều cho vị thanh mát, không đắng.

Sau mấy trận mưa thu, mấy chậu rau má được trồng trong chậu cũng bật mầm, xanh và tươi mướt hơn. Chồng tôi, sớm chiều tưới nước, chăm sóc rau lại lẩm nhẩm đọc đôi ba câu thơ quen thuộc về rau má của nhà thơ Trịnh Anh Đạt. Rồi anh tự hào, rằng rau má đúng là “sâm” của người xứ Thanh mình. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Nổi bật
Được quan tâm





Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất