, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 09/07/2023, 19:00

Nghệ nhân Hán Quân - Người “giữ hồn” cho nhịp trống baranưng

SƠN NGỌC
(baodantoc.vn)
Tại làng Chăm Hữu Đức (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) ông Hán Quân là một trong những nghệ nhân tiêu biểu “giữ hồn” cho nhịp trống baranưng phục vụ đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc Chăm.
Nghệ nhân Hán Quân và các học trò hòa tấu nhạc cụ baranưng và ghi năng.
Nghệ nhân Hán Quân và các học trò hòa tấu nhạc cụ baranưng và ghi năng.

Nhiều năm nay, với vai trò Maduen (thầy vỗ) của cộng đồng người Chăm tại địa phương, nghệ nhân Hán Quân tích cực tham gia thực hiện các nghi lễ truyền thống như Lễ hội Katê, Lễ hội Chabun tưởng nhớ nữ thần, Rija Nagar, cầu mưa...

Nghệ nhân Hán Quân cho biết, từ thời trai trẻ, ông cùng cố Nghệ nhân Ưu tú Thiên Sanh Thềm được nghệ nhân Quảng Nhiều ở Hữu Đức tận tâm truyền dạy chế tác nhạc cụ và biểu diễn trống baranưng, ghi năng phục vụ hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Chăm. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với chế tác nhạc cụ, ông đã cung cấp cho bà con trong và ngoài tỉnh hàng trăm bộ trống ghi năng và baranưng. Mỗi bộ trống ghi năng chế tác khoảng 20 ngày, trị giá 15 triệu đồng, mỗi chiếc trống baranưng chế tác 1 tuần, trị giá khoảng 5 triệu đồng.

Hiện nay, ông đang hoàn thành 4 chiếc trống baranưng và một bộ trống ghi năng để dành cung cấp cho bà con các làng Chăm. Nghề chế tác trống rất công phu, đòi hỏi sự khéo tay và tinh thần trách nhiệm của người thợ trong bảo đảm cân chỉnh chuẩn âm thanh, sử dụng lâu bền. Ông truyền nghề làm trống cho con trai là Hán Văn Giảng và đệ tử Đàng Phi Long Khánh gìn giữ nhạc cụ truyền thống của cha ông.

Để chế tác được chiếc trống baranưng, nghệ nhân Hán Quân đặt mua gỗ lim hoặc gỗ mít có đường kính 40 - 45cm, dày 4 - 5m, cao 12cm. Khi chế tác hoàn thiện, thân trống dày 1,5 - 2cm được bịt bằng da trâu tơ và sử dụng 70 - 80 nút dây mây luồn qua mặt da kéo căng rồi cố định bằng 12 chốt gỗ cà chí, mỗi chốt dài khoảng 8cm, dày 1cm. Các chốt gỗ còn có vai trò cân chỉnh âm thanh chuẩn cho chiếc trống khi vỗ vang xa với các thang âm tìnk, tớ, clèn.

Nghệ nhân Hán Quân chế tác nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm.
Nghệ nhân Hán Quân chế tác nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm.

Khi dạy học trò, nghệ nhân viết các ký hiệu của 72 bài bản trống baranưng cho học trò vỗ theo hướng dẫn của thầy. Đến nay, nghệ nhân Hán Quân đã truyền dạy kỹ thuật biểu diễn trống cho 12 thanh niên trở thành nhạc công đảm nhận các chương trình lễ hội và văn nghệ phục vụ đời sống dân cư. Hiện nay, ông tiếp tục truyền dạy kỹ thuật biểu diễn trống baranưng và ghi năng cho các học trò Đàng Phi Long Khánh, Thạch Quốc Việt.

Anh Long Khánh phấn khởi cho biết: “Bản thân tôi rất tự hào được làm học trò của nghệ nhân Hán Quân. Ông yêu thương và tận tâm truyền dạy bài bản vỗ trống baranưng, ghi năng cho học trò. Sau nhiều năm theo thầy rèn nghề học vỗ trống, đến nay, tôi có thể cùng các bạn đảm nhận vai trò nhạc công thực hiện hoạt động tín ngưỡng tâm linh và chương trình văn nghệ phục vụ bà con thôn xóm”.

Nghệ nhân Hán Quân chia sẻ: “Đồng bào dân tộc Chăm chúng tôi có di sản âm nhạc độc đáo với nhiều hình thức diễn xướng mang tính nghệ thuật cao gắn liền nghi lễ truyền thống của gia đình, tộc họ, làng xóm. Với vai trò Maduen, tôi tích cực tham gia bảo vệ di sản âm nhạc dân gian Chăm được Nhà nước quan tâm đầu tư bảo tồn, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào Chăm, góp phần phát triển đời sống kinh tế - xã hội địa phương”. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất