, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 16/03/2024, 19:30

Phiêu lưu vào thế giới của những bậc cao niên trăm tuổi

MINH NGUYỄN
Đến thăm những cụ ông trăm tuổi, chúng tôi “dọn” sẵn tâm thế cho một ngày… sống chậm, trầm tư về buổi xế chiều của một kiếp người. Chẳng ngờ, mình cũng trầm tư. Mà là trầm tư về tuổi trẻ, về cái hạn hẹp thường tình về tuổi tác của những kẻ tự nhận mình trẻ.

To-do list của “nhân sự” 104 tuổi

Con hẻm vào nhà cụ Nguyễn Đình Tư nằm ở một khu dân cư bình dân, đông đúc. Hẻm dài, hẹp, ô tô không vào được. Nhìn hẻm, biết cụ ông 104 tuổi vẫn còn đủ khỏe để ngồi xe máy. Bởi cách đó mấy hôm, người ta còn thấy báo chí đưa tin cụ mặc đồ đẹp đi trải nghiệm chuyến tàu metro Bến Thành - Suối Tiên.

Cụ Nguyễn Đình Tư.

Vào đến nhà, ai nấy đã sẵn sàng gặp một cụ ông đang ngồi đâu đó ở tầng trệt - đúng cách bố trí phòng quen thuộc cho người lớn tuổi. Nhưng tầng trệt vắng teo. Anh Tâm - con trai cụ chỉ vào cầu thang, nói “cụ ở tầng ba”. 

Chiếc cầu thang đi qua 2 tầng nhà, như một “thách thức đô thị” với người kém sức. Vừa đi trước để dẫn đường, anh Tâm vừa thủng thẳng nói: “Ngày nào cụ cũng lên xuống cầu thang này không dưới 10 lần”.

Các thông tin lần lượt gây… choáng váng. Nhưng tất cả đều không còn quá kỳ lạ khi chúng tôi tận mắt nhìn thấy cụ Nguyễn Đình Tư. Trong căn phòng cuối cầu thang, cụ Tư tươi tắn, nhanh nhẹn hướng dẫn chúng tôi ngồi vào chiếc bàn giữa những kệ sách. Gương mặt cụ sáng bừng, vẻ minh mẫn. Giọng cụ thanh, rõ và linh hoạt. Cụ bắt nhịp rất nhanh, chủ động hỏi han và chia sẻ. Cuộc trò chuyện nhanh chóng trôi vào những ký ức rành rọt vào những ngày đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, về cuộc sống vùng Bắc Trung Bộ quê cụ trước và sau hiệp định Paris. 

Cụ nói khá nhanh, chi tiết nối chi tiết. Chẳng ai còn nhớ trước mặt mình là một cụ ông có tuổi đời hơn một thế kỷ. Đang “quên”, thì tôi nghe ông Nguyễn Đức Quang - Tổng biên tập Tạp Chí Nông Thôn Việt hỏi:

- Rồi sau giải phóng cụ làm gì?

Cụ đáp rất nhanh:

- À, hồi giải phóng thì mình lớn tuổi rồi…

Người trẻ bật cười. Đó là những ngày đầu của năm 2024. Còn người đàn ông kia, từ 50 năm trước đã kịp “lớn tuổi”, giờ vẫn rành rọt ngồi kể chuyện đời.

Tôi rời chỗ ngồi, đi lang thang về phía sau - nơi luồng sáng mạnh nhất đang hắt vào căn phòng rôm rả những chuyện trò. Đó là một ban công rộng rãi, có một chiếc bàn uống trà kiểu cũ và một khoảng không thoáng đãng. Anh Tâm đang loay hoay tưới cây gần đó, anh nói:

- Chỗ trống này là nơi cụ tập thể dục. Ngày nào cụ cũng tập ít nhất 60 phút. Còn cái bàn là nơi cụ tiếp bạn bè đến chơi uống trà, hoặc tiếp sinh viên, nhà nghiên cứu, nhà báo đến làm việc. 

Cảm giác “bất ngờ trầm trồ” lúc này đã bắt đầu thừa thãi. Tôi tỏ ra… bình thản, như thể đời sống “cool ngầu” kia chẳng có gì lạ so với tri thức xã hội về sinh hoạt của một cụ ông trăm tuổi. 

Quay vào phòng, một tấm bảng mica treo trên chiếc tường cũ kỹ mời gọi tôi dừng lại. Chiếc bảng viết kín một nét chữ đều tăm tắp của lão gia chủ, gạch từng đầu dòng: 

- Giờ…, ngày…, tháng…, năm… tiếp phóng viên báo Dân Trí

- Giờ…, ngày…, tháng…, năm… họp mặt ngày Chuyển đổi số Quốc gia…

- Giờ…, ngày…, tháng…, năm… tiếp Hội đồng hương Nghệ An…

Tôi bật cười khi nhận ra đó chính là “to-do list” (danh sách những việc cần làm) - một phương pháp quản lý công việc trong “truyền thuyết công sở” mọi thời đại. Toàn là những “nhiệm vụ” chất lượng. Tôi “đọc thấy” mình cùng cuộc gặp đang rôm rả kia từ một gạch đầu dòng trong bảng kế hoạch của cụ Tư. Phía trên là những công việc đã qua, phía dưới là những công việc sắp tới. Đọc hết những người cụ gặp, những nơi cụ đến, những sự kiện cụ tham dự, người ta dễ… choáng váng mà vỡ ra rằng nếu không có “to-do list” kia, thì chẳng ai quản lý nổi chừng đó công việc. Mà quản lý thời gian chính là điều bắt buộc để một người, dù trẻ hay già, có thể làm việc một cách khoa học. Nhất là khi đó lại là công việc của một nhà nghiên cứu, một kỷ lục gia Việt Nam về hoạt động và đóng góp trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, địa chí vùng miền, tỉnh - thành Việt Nam - như cụ Tư. Chỉ lạ, là cả cái to-do list kia lẫn thành tựu của nó, vẫn viết tiếp mỗi ngày bởi một người đã sống tới tuổi 104.

Sống và dự định

Trên khắp thế giới, tuổi trăm vẫn được xem là “xưa nay hiếm”. Đời sống rất “trẻ” của cụ Nguyễn Đình Tư ở năm thứ 104 của đời người có thể xem là chuyện siêu hiếm. Ta quen nghĩ, ở tuổi trăm, cuộc sống sẽ thu gọn lại bằng… các chỉ số đường huyết, huyết áp, nhịp tim. Trong kỷ nguyên của chất lượng sống, lời chúc “sống lâu trăm tuổi” cũng thành lỗi thời với giới trẻ, vì sống đến tuổi trăm thì… chẳng còn “chất lượng” nữa.

Thế nhưng, bước vào thế giới của những bậc bách niên kỳ lạ, dễ thấy mình là những kẻ ít tuổi hạn hẹp, niềm tin giới hạn. Phiêu lưu vào đời sống tinh thần của họ, dễ mở mang những sự thật về người cao tuổi, và về cả sự thênh thang của đời mình.

Tôi nhận ra điều đó khi nghe cụ Nguyễn Kỳ Cẩm - 97 tuổi, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội bắt chuyện bằng một tin tức thời sự: 

- Mới có cướp ngân hàng ở Cửa Lò đó!

Nói rồi, cụ thủng thẳng ngồi bàn thời sự. Tôi nhận ra, cụ Cẩm không hẳn quan tâm đến chuyện cướp ngân hàng, nhưng đó là cách cụ “bắt chuyện” - những câu chuyện mà ai cũng biết, cũng quan tâm, để nhanh chóng “nhập cuộc” với người trẻ. Ở tuổi 97, cụ Cẩm nói chậm từng câu, cử chỉ chậm rãi, nhưng cách tư duy và lối giao tiếp vẫn rất hợp thời. Cụ hay rút ngắn khoảng cách thế hệ bằng những đúc kết “vừa hài vừa đíp” (đíp: deep - sâu sắc, theo ngôn ngữ gen Y, gen Z):

- Tôi tuổi Thìn, nhưng từ lúc về hưu thì là tuổi Hợi.

Nói xong, cụ bật cười giải thích rằng: “Tuổi Hợi là tuổi lợn đó, về hưu thì chỉ tới giờ mà ăn thôi”.

Cụ Nguyễn Kỳ Cẩm (bên trái).

Nếu người trẻ vốn dễ có khoảng cách trước những người lớn am tường, thì cụ Nguyễn Kỳ Cẩm càng là một cái tên dễ gây khép nép: cụ là cựu chính khách, là chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh, bộ trưởng. Hiếm có việc gì qua được mắt cụ. Thế nhưng, ở tuổi 97, đối diện cụ, chỉ thấy một sự thú vị dễ chịu của một người am tường và… duyên dáng. Cụ dùng dữ liệu trăm năm để giao tiếp với người trẻ bằng lối chuyện trò không tuổi. Nhưng trong lời đùa, trong từng sự tự trào, giễu nhại, đều chất chứa minh triết đời người. 

Khi nhắc đến Tạp chí Nông thôn Việt, nghe qua về câu chuyện nông thôn, môi trường, đất đai, cụ lập tức nhắc về kỷ niệm cùng ông Nguyễn Sỹ Quế đưa cây của Bác Hồ lên trồng ở Vĩnh Thành thời cụ làm Bí thư Nghệ Tĩnh. Rồi cụ cao hứng cất giọng hát “Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa”. Cụ đặc biệt ngân dài ở câu: “Ươm mầm xanh ta như mẹ thương con…”.

Chuyện phát triển nông nghiệp xanh, xây dựng kinh tế bền vững ở thời của cụ hẳn còn xa lạ. Nhưng một người đã không ngừng ưu tư với đời sống, với nước non thì luôn có thể tương tác với thời cuộc bằng tri thức của thời đại mình. Bằng chi tiết trồng cây năm xưa, cụ đã trao câu chuyện giữ môi trường cho nông nghiệp xanh về với từng cá nhân trên đất nước này. Ai cũng có thể “ươm mầm xanh như mẹ thương con…”.

Không một lời bảo ban, dạy dỗ, họ tham gia vào những ưu tư lớn của thế hệ hiện đại như một người trong cuộc. Khác với tư thế “đã về chiều”, “chuyện bây giờ là của giới trẻ”. Họ sống với phiên bản của một công dân - trí thức chân thành và trách nhiệm.

Sự chân thành đó dễ thấy trong cái nheo mắt của ông Phan Khắc Hy - thiếu tướng, Nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Nguyên Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Không quân khi nghe ông Nguyễn Đức Quang nói về Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Ngôi đền ở vùng biên cương khuất nẻo đó từng là giấc mơ chung của những người mang nỗi ám ảnh Trường Sơn, đặc biệt là ông Phan Khắc Hy, một vị tướng từng trực tiếp chỉ huy ở chiến trường này. Thế nhưng, vừa chạm đến niềm vui có được một ngôi đền tưởng niệm, ông liền chia sẻ ưu tư:

- Có công trình rồi, giờ phải tính cách làm sao để nông dân vùng biên giới bớt khổ. Trong chiến tranh, nơi sống của họ là chiến trường. Bây giờ, việc đền ơn đáp nghĩa phải bao gồm cả họ nữa. Làm sao để người dân ở vùng cao, vùng sâu vùng xa bớt “xa” đi. Phải nghĩ cách để phát triển kinh tế, để họ tham gia làm du lịch nông thôn, để sự mở mang và sung túc đến được với họ.

Cụ Phan Khắc Hy.

Lúc nói điều này, ông Phan Khắc Hy 97 tuổi. Một “đề bài” thật lạ khi người ta sắp vào tuổi trăm. Để đến năm 2024, khi ông 98 tuổi, chúng tôi quay lại mang theo thông tin rằng thương hiệu du lịch uy tín toàn cầu Oxalis vừa mở tour Đi tìm dấu ấn Trường Sơn trên tuyến đường lên Đền tưởng niệm liệt sĩ ở Cà Roòng - ATP, mang du khách đến với vùng biên cương, để những bản làng khuất nẻo tham gia làm du lịch. Lúc đó, chúng tôi trải nghiệm một khoảnh khắc hiếm có cùng ông Phan Khắc Hy - khoảnh khắc hạnh phúc khi người ta hoàn tất một dự định, chạm vào ước mơ ở tròm trèm tuổi trăm.

Sau chuyến thăm những bậc cao niên trăm tuổi, có một phép tính “viral” trong nhóm chúng tôi. Chúng tôi đều cách rất xa tuổi 97, 98 hay 104. Lấy 104 tuổi làm chuẩn thì mỗi người còn đến 40, 50, 60, 70 năm trời để sống cho thật trọn. Cuộc đời chợt bớt “con con”, đủ để mình nghĩ lại về những “giấc mơ con”, tháo tung những giới hạn, nghĩ lớn, làm lớn, ngay mùa đầu năm nay...

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).


Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất