, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 21/03/2024, 07:00

Điểm tin ngày 21/3: Xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4 tỉ USD trong năm 2024; Hơn 1 triệu đồng/trái mít ruột đỏ

CAO ĐOÀN
(Tổng hợp)
Xuất khẩu tôm được dự báo đạt 4 tỉ USD trong năm 2024; Hơn 1 triệu đồng/trái mít ruột đỏ; Mận hậu trái vụ hơn 200 ngàn đồng/kg vẫn hút khách...

Xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4 tỉ USD trong năm 2024

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, tôm là mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung trong nhiều năm qua. Hằng năm, ngành hàng này đã mang về nguồn thu cho nước ta gần 4 tỉ USD và đóng góp khoảng 45 – 50% tổng giá trị xuất khẩu về thủy sản.

Xuất khẩu tôm năm 2024 nỗ lực đạt 4 tỉ USD. Ảnh: Báo Phụ Nữ TP.HCM.

Năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đạt khoảng 737.000ha, sản lượng khoảng 1,12 triệu tấn. Trong năm qua do tình hình chung gặp nhiều khó khăn nên kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 3,45 tỉ USD (giảm hơn 19% so với năm 2022). Năm 2024 dự báo tình hình xuất khẩu tôm cải thiện và có thể tăng nhẹ từ 10 - 15% so với năm 2023, dự kiến thu về hơn 4 tỉ USD.

Ông Phùng Đức Tiến,Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, để ngành hàng tôm Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Hơn 1 triệu đồng/trái mít ruột đỏ

Hiện nay, trên địa bàn xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao tỉnh Kiên Giang, bà con nông dân đang tất bật thu hoạch giống mít Indonesia (người dân quen gọi là mít ruột đỏ).

Thương lái mua hơn 1 triệu đồng/trái mít ruột đỏ ở Kiên Giang
Thương lái thu mua mít ruột đỏ. Ảnh: Báo Lao Động.

Bà con trồng mít chia sẻ, mít trồng khoảng hơn 1 năm là bắt đầu cho trái. Hiện người dân trồng xen canh nhiều loại chứ không ồ ạt trồng 1 loại, đề phòng khả năng rớt giá, ùn ứ. 

Chị Nguyễn Pha Luyên, người dân địa phương, cho biết hiện tại chị canh tác khoảng 2,4ha, xen canh nhiều loại cây ăn trái như mít, khóm, bòn bon, măng cụt, dâu. Năm nay, mít ruột đỏ được thương lái mua với giá là 85.000 đồng/kg. Mỗi trái mít ruột đỏ loại 1 nặng khoảng 15kg, tính ra 1 trái thì bà con bán hơn 1 triệu đồng. Cũng theo chị Luyên, sau khi thu mua mít ruột đỏ thương lái sẽ đóng bao bì xuất đi Trung Quốc.

Dành hơn 2.200ha kêu gọi 2 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Long An vừa qua đã thông tin về việc ưu tiên thu hút đầu tư cho 2 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở hai huyện Tân Hưng và Thủ Thừa với tổng diện tích 2.255ha.

Cả hai khu đất kêu gọi dự án đều phù hợp với canh tác nông nghiệp. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ TP.HCM.

Mục tiêu của các dự án này là hình thành khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung với quy mô lớn, ứng dụng máy móc hiện đại đi kèm các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản. Các loại cây trồng vật nuôi dự kiến được triển khai gồm lúa, ngô, chuối, cây ăn quả, cá, bò, dê, heo.

Hiện tại, Long An đang tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản đồng bộ, đa mục tiêu. Trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng chuyên canh, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mận hậu trái vụ hơn 200 ngàn đồng/kg vẫn hút khách

Tại các cửa hàng trái cây ở khu vực Hà Nội, mận hậu trái mùa được bán với giá trung bình khoảng 200 ngàn đồng/kg, tùy loại. Mức giá này tương đương hàng nhập khẩu từ Úc hay Chile, còn size vip có giá cao hơn. Nhiều người dùng chia sẻ muốn thưởng thức mận Việt Nam hơn hàng nhập ngoại bởi hương vị chua giòn đặc biệt. Đây là hương vị đầu mùa nên rất thu hút.

Mận hậu trái vụ đắt như tôm tươi, hơn 200 ngàn đồng/kg vẫn hút khách- Ảnh 1.
Mận hậu trái vụ thu hút nhiều chị em xuống tiền mua về thưởng thức. Ảnh: Báo Người Lao Động. 

Chị Phan Thu Vân Anh, Chủ tịch Hợp tác xã Nông sản Tân Lập Mộc Châu (Sơn La), cho hay mỗi ngày hợp tác xã phân phối đi các thị trường từ 3 - 5 tạ mận. Năm nay, sản lượng mận trái vụ không nhiều, nhưng hương vị chua giòn, ngon nên rất hấp dẫn người dùng.

Chị Vân Anh thông tin thêm, giá mận ở tại vườn dao động trung bình từ 50 đến hơn 100 ngàn đồng/kg. Tình hình giá cả và tiêu thụ biến động theo ngày, lúc ít hàng giá sẽ cao hơn. Theo tính toán, mỗi héc-ta mận hậu có thể giúp nông dân thu về khoảng 200 triệu đồng.

“Bội thu” mùa cá cơm

Từ sau Tết Giáp Thìn 2024 đến nay, ngư dân các làng biển ở huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An); thị xã Nghi Sơn, huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa (Thanh Hóa)… đang vào chính vụ đánh bắt cá cơm.

2.JPG
Làng biển Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) vào mùa cá cơm. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Theo các ngư dân, công việc đánh bắt cá cơm có thể kéo dài quanh năm, nhưng mùa chính tập trung từ khoảng tháng 11 - 12 Âm lịch năm trước, kéo dài đến khoảng tháng 3 - 4 năm sau. Thời điểm ra Tết có ít tàu đi nên giá cá cao, từ 16.000 đồng đến 17.000 đồng/kg, đến bây giờ tàu đi bắt nhiều hơn nên giá cá xuống 11.000 đồng đến 12.000 đồng/kg. Mặc dù giá giảm nhưng sản lượng khai thác nhiều nên các chuyến biển đều hiệu quả, ngư dân có thu nhập ổn định trang trải cuộc sống.

Lão ngư Lê Bá Hoàng, thôn Tân Thành (xã Quỳnh Lập) cho biết, cá cơm một phần đem phơi khô để bán dần, một phần được hấp, sấy hoặc ướp gia vị, đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia… Riêng cá cơm đen (trỏng than) sẽ được dùng làm nước mắm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất