, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 12/01/2024, 06:00

Làng nghề hối hả vào xuân

NGỌC MẬN - HUỲNH HƯƠNG
(baolongan.vn)
Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Không khí mùa xuân đang tràn về khắp nơi. Đây cũng là lúc những làng nghề tất bật sản xuất để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Mứt Tết vào mùa

Thời điểm này, những bếp lò của các hộ làm mứt truyền thống tại ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An luôn đỏ lửa để làm ra những mẻ mứt thơm ngon, chất lượng, mang hương xuân đến với mọi nhà.

Những miếng mứt gừng, mãng cầu, me... thơm ngon đang được nhanh chóng sản xuất và đóng gói kỹ càng.

Chị Nguyễn Thúy Diễm (ấp 5, xã Lạc Tấn) tất bật chuẩn bị làm mứt gừng đáp ứng đơn đặt hàng của khách.

Có gần 20 năm kinh nghiệm và uy tín trong nghề làm mứt nên số lượng khách hàng tìm đến đặt mua những sản phẩm của chị Nguyễn Thúy Diễm (ấp 5, xã Lạc Tấn) khá nhiều. Cũng như mọi năm, những ngày này, chị Diễm cùng gia đình tất bật chuẩn bị nguyên liệu để làm mứt gừng và mứt me theo đơn đặt hàng.

Chị Diễm chia sẻ: “Tết năm nào gia đình tôi cũng làm mứt gừng và mứt me để bán. Nghề này tuy cực mà vui vì sản phẩm làm ra được khách hàng khen, giúp tôi có động lực gắn bó với nghề. Tết năm nay, gia đình tôi làm trên 300kg mứt gừng và mứt me theo đơn đặt hàng của khách quen”.

Để làm ra được mẻ mứt thơm ngon, ngay từ đầu tháng 10 Âm lịch, chị Diễm bắt đầu tìm nguồn nguyên liệu. “Gừng được chọn để làm mứt phải là những củ lớn, không quá non cũng không quá già. Gừng sau khi được gọt sạch vỏ, đem xẻ đôi. Để giảm bớt vị cay của gừng, tôi đem bỏ tủ lạnh 24 giờ, sau đó đem ra xả lại rồi mới xăm. Cách làm này giúp cho mứt gừng ngon, đẹp mắt hơn. Cứ 1kg gừng, tôi sên 1kg đường và phơi khoảng 15 ngày hoặc hơn tùy vào thời tiết” - chị Diễm cho biết.

Cũng theo chị Diễm, mứt me ngon phải có vị chua chua, ngọt ngọt, dai dai mà không bị nát. Các khâu sản xuất mứt me như cắt cuống, tách vỏ, bỏ hạt, xâm trái, ngâm muối, sên, phơi nắng và đóng gói đều làm thủ công, không có chất bảo quản.

Tất cả công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và khéo tay của người thợ để trái me không bị gãy. Không chỉ chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm, mứt làm ra được chị Diễm đóng gói cẩn thận, đẹp mắt để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Hiện giá mứt gừng thành phẩm dao động từ 110.000 - 130.000 đồng/kg, mứt me từ 140.000 - 150.000 đồng/kg.

Tất bật chuẩn bị

Cùng với các loại mứt, lạp xưởng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của mỗi gia đình dịp Tết. Chính vì thế, cứ gần Tết, các cơ sở sản xuất lạp xưởng lại tất bật vào mùa.

Không chỉ có tiếng ở các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành mà ngay tại TP Tân An (tỉnh Long An), nghề làm lạp xưởng của cơ sở Mai Vàng (phường 1) cũng được duy trì và phát triển hơn 20 năm qua.

Lạp xưởng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của mỗi gia đình dịp Tết.

Khi chúng tôi đến, anh Nguyễn Văn Cường - Chủ Cơ sở lạp xưởng Mai Vàng, cùng nhân công đang tất bật làm lạp xưởng để kịp giao cho khách hàng. Mỗi người phụ trách một công đoạn khác nhau: Chuẩn bị nguyên liệu, xay thịt, dồn thịt, đem phơi, đóng gói...

Theo anh Cường, làm lạp xưởng tưởng đơn giản nhưng khá cầu kỳ, nếu làm không đúng cách, lạp xưởng dễ bị hỏng, không bảo quản được lâu. Muốn lạp xưởng ngon phải chọn được thịt heo tươi. Ðầu tiên là sơ chế phần thịt, ruột non thật sạch. Thịt nạc cắt nhỏ, thịt mỡ được cắt hạt lựu, sau đó trộn với các loại gia vị cho vừa ăn.

Công đoạn phức tạp nhất là nhồi thịt. Với phần ruột non đã được chuẩn bị kỹ, cứ nhồi thịt vào được khoảng 10 - 15cm thì buộc lại thành khúc. Sau đó đem phơi lên giàn ngoài trời nắng từ 3 - 4 ngày thì lạp xưởng sẽ lên men, khô lại là có thể đem đóng gói bảo quản. Bình quân trong mùa tết, cơ sở sản xuất khoảng 300 - 400kg lạp xưởng/ngày. Giá bán dao động 180.000 - 200.000 đồng/kg.

Với phương châm “Chất lượng, uy tín đặt lên hàng đầu”, cơ sở của anh Cường thực hiện nghiêm ngặt khâu chọn nguyên liệu đầu vào từ thịt heo cho đến các loại gia vị đều có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng và thương hiệu uy tín trên thị trường.

Những năm gần đây, qua tìm hiểu công nghệ sản xuất mới, anh Cường mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc chuyên dụng để sản xuất lạp xưởng.

“Hiện nay, lạp xưởng được làm quanh năm để sử dụng và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Trong quá trình sản xuất, tôi luôn chú trọng việc bảo đảm an toàn thực phẩm và giữ được hương vị lạp xưởng truyền thống.

Những khâu thủ công được giảm bớt, thay thế bằng máy móc để xay và nhồi thịt nên nhanh hơn, năng suất cao hơn. Để tránh côn trùng, bụi bẩn trong lúc phơi lạp xưởng, tôi đầu tư xây dựng nhà kính có thể phơi cùng lúc trên 2 tấn lạp xưởng phục vụ thị trường Tết” - anh Cường nói.

Rộn ràng sắc xuân

Vào những ngày này, các hộ trồng hoa Tết cũng đang tất bật cắt tỉa, bón phân, tưới nước cho những khóm hoa, chậu cảnh, chờ xuất vườn phục vụ thị trường Tết.

Để có sản phẩm hoa đạt chất lượng, người trồng phải thực hiện rất nhiều công đoạn từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc cây con ở giai đoạn vườn ươm đến ra ruộng và cho đến khi ra hoa, thu hoạch.

Nhà vườn đang tất bật chăm chút cho các khóm hoa, chậu cảnh phục vụ thị trường Tết.

Nắm bắt thị hiếu của người dân, ông Nguyễn Quang Minh (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) chọn trồng chủ yếu là hoa vạn thọ Thái vì loại cây này được người dân ưa chuộng và chọn chưng vào mỗi dịp Tết, ngày rằm.

Ông Minh chia sẻ: “Để cây phát triển tốt, hoa nở to, đều, đẹp, đòi hỏi người trồng phải chịu khó chăm sóc và áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học - kỹ thuật như phun chế phẩm sinh học, bón phân đúng thời điểm, ngắt ngọn... Có như vậy, cây mới ra hoa đạt chất lượng và nở đúng dịp tết. Năm nay, tôi trồng trên 15.000 chậu hoa vạn thọ Thái.

Với số lượng hoa này, tôi chia làm 2 đợt để bán. Đợt đầu, tôi bán vào dịp rằm tháng Chạp để cúng rằm và đợt 2 bán vào khoảng 25 tháng Chạp để chưng Tết. Hy vọng thời tiết thuận lợi, sức mua tăng để gia đình có thêm thu nhập mua sắm Tết”.

Nhà vườn đang chăm chút cắt tỉa, bón phân, tưới nước… cho các khóm hoa, chậu cảnh phục vụ thị trường Tết.

Càng gần đến Tết, gia đình anh Huỳnh Văn Hiếu (ấp 4, xã Bình Tâm) lại bận rộn với việc trồng và chăm sóc hoa kiểng. “Cùng với các loại hoa ngắn ngày như cúc, vạn thọ thì các loại cây kiểng, bon sai cũng được nhiều người ưa chuộng. Vì vậy, những ngày này, tôi tập trung cắt cành, tạo dáng, vun gốc... giúp cây khỏe mạnh và trổ nhiều hoa đẹp” - anh Hiếu chia sẻ.

Những vườn hoa tươi thắm đang vươn mình khoe sắc, sẵn sàng theo thương lái đến tay người tiêu dùng để đem sắc xuân, may mắn đến với mọi nhà. Với người trồng, tuy công việc vất vả nhưng ai cũng nở nụ cười vì ruộng hoa tươi tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Trải qua bao thăng trầm, các làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại. Ðể rồi mỗi dịp xuân về, Tết đến, người dân nơi đây lại tất bật với công việc của mình và cho ra lò những sản phẩm mang đậm nét văn hóa quê hương.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất