, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 11/08/2022, 19:00

Nghề cấy thuê “lên” giá

TRỊNH VIẾT HIỆP
Những ngày đầu tháng 6 âm lịch năm 2022 vừa qua, khi mà các huyện ngoại thành Hà Nội bước vào thời điểm gieo cấy vụ lúa mùa thì cũng là lúc những người cấy thuê “hái ra tiền”.
Công việc cấy thuê tuy vất vả nhưng cho thu nhập khá.

Những năm gần đây, khi bước vào mùa vụ, nhân công cấy thuê thường rất khan hiếm, vì vậy mà người làm công việc này luôn được săn đón với mức thù lao khá cao, bởi gia đình nào còn làm nông nghiệp đều muốn cấy lúa nhanh cho kịp thời vụ khi mạ gieo đã đủ ngày.

Bà Lê Thị Tâm ở thôn Bầu xã Kim Chung (huyện Đông Anh) cho biết gia đình bà vừa mới đón 4 nhân công để cấy thuê cho đám ruộng 5 sào. Với 4 nhân công cấy trong 2 ngày, công cho mỗi thợ cấy một ngày là 350.000 đồng. Ngoài ra, gia chủ còn phải lo cơm trưa, nước uống hàng ngày cho thợ.

Giống như bà Tâm, giữa tháng 6 chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Cổ Điển xã Hải Bối (huyện Đông Anh) cũng phải thuê 4 nhân công để cấy thửa ruộng 3 sào của mình. Chị Lan cho hay mạ gieo đã đủ ngày từ cách đấy gần một tuần nhưng nhà chị đón mãi không được thợ cấy. Chị Lan kể: “Bình thường ở khu vực quanh đây người dân vẫn thuê cấy theo công nhật, nghĩa là nuôi thợ cấy một bữa cơm trưa cùng với tiền công trung bình khoảng 350.000 đồng. Tuy nhiên, cũng có gia đình “xông xênh” trả tới 400.000 đồng/người/ngày cấy. Một hình thức thuê cấy khác là thuê khoán, nghĩa là gia chủ khoán theo sào với giá khoảng 500.000 đồng, bao gồm cả nhổ mạ và cấy.

Tại một số quận mới vừa lên đô thị chưa lâu như Nam - Bắc Từ Liêm, Long Biên, tình trạng khan hiếm thợ cấy thuê khi mùa tới cũng khá phổ biến.

Ông Trần Tuấn Thái, năm nay 57 tuổi, nhà ở phường Thuỵ Phương quận Bắc Từ Liêm hiện còn 8 sào đất lúa. Các con ông đi làm công nhân, nhà chỉ có vợ chồng ông nên việc cấy, gặt quanh năm đều phải thuê mướn người làm. Để có thợ cấy, ông thường phải đặt hàng từ sớm để thợ cấy sắp xếp thời gian, do vào vụ họ luôn kín lịch. Mùa cấy năm nay, nhà ông Thái cũng phải dặn trước cả hai ba tuần mới thuê được 6 người thợ cấy.

Nhân công cấy thuê khan hiếm và luôn được “săn đón” nên những người làm công việc cấy thuê cũng hay làm giá. Vài ba năm trước, công cấy thuê trung bình khoảng 200.000 - 250.000 đồng/người/ngày, nay đã tăng gấp rưỡi, thậm chí có lúc tăng gấp đôi. Việc “đẩy giá” lên cao, ngoài thợ cấy “hét” giá thì một phần cũng do nhiều chủ ruộng muốn đón được thợ cấy sớm nên phá giá, trả công cao hơn.

Vào thời điểm mùa vụ, nhiều người phụ nữ làm công việc cấy thuê có cơ hội kiếm tiền.

Lực lượng cấy thuê tại các huyện ngoại thành Hà Nội hiện nay phần lớn là phụ nữ từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình… đổ về. Mùa cấy thuê thường chỉ kéo dài trong vài tuần. Hết mùa cấy họ lại trở về quê, mang theo số tiền kha khá vừa kiếm được.

Chị Lưu Thị Dần, 39 tuổi, quê ở huyện Tam Nông (Phú Thọ), người đã làm công việc cấy thuê tại khu vực huyện Đông Anh từ mấy năm nay, kể rằng một mùa cấy trung bình chị làm được khoảng 15 buổi, mỗi buổi chừng 350.000 đồng tiền công. Hết vụ cấy, chị kiếm hơn 5 triệu đồng. Còn nếu nhận cấy khoán, chị có thể kiếm được nhiều tiền hơn chút xíu. 

Còn chị Lê Thu Hạnh, 32 tuổi, quê ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) - người có thâm niên cấy thuê đã 7 năm, tương ứng với 14 vụ cấy, thì cho biết chị thường cấy thuê tại quận Bắc Từ Liêm. Mỗi mùa cấy chị kiếm được vài triệu đồng. Chị kể: “Gia đình tôi ở quê cũng làm ruộng nhưng không nhiều. Cứ tới mùa cấy là tôi để ruộng ở nhà cho mẹ chồng cùng người em làm, còn tôi theo mấy chị bạn hàng xóm đi cấy thuê kiếm tiền. Đây là công việc thời vụ nhưng mang lại thu nhập khá cao. Với khoảng 5 triệu đồng mỗi mùa, gia đình tôi trang trải được nhiều thứ. Có năm tôi dùng tiền kiếm được mua cây giống để trồng, mua gà giống, lợn giống để nuôi. Cũng có năm số tiền ấy để dành đóng học phí, mua sách bút cho con…”.

Cấy thuê là công việc không hề nhàn hạ khi người cấy phải lội bùn, khom lưng và cắm mặt xuống ruộng suốt cả ngày bất kể trời nắng hay mưa; ăn cơm và ngả lưng qua loa ngay ngoài bờ ruộng. Đổi lại, họ có thể kiếm được thu nhập, được nuôi cơm và cứ hết ngày là được lĩnh tiền, ít phải lo nghĩ…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất