, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 12/02/2024, 06:00

Nụ cười trong rừng trúc

LÊ MINH NGUYÊN
Đứng ở đàn Âm Hồn nhìn về hướng Đông Nam, sau cánh rừng thấp hơn tầm mắt kia ở đồi Hà Khê, là chùa Thiên Mụ. Tôi nghĩ, giờ Tý, khi chùa thỉnh chuông, hẳn tiếng ngân của Đại Hồng Chung từ ngôi chùa danh tiếng ấy sẽ vẳng tới đây, nhắc những nông dân chốn này lục đục dậy nổi lửa nấu cơm, soạn sành đồ nông cụ để chuẩn bị cho buổi ra đồng. Đàn tế này khác hẳn đàn Âm Hồn trong thành Huế, cũng chẳng liên quan đến chuyện Thất Thủ Kinh Đô. Mồng 7/3 hàng năm, tất cả con dân của làng tề tựu đầy đủ, ai có đồ cúng, bất luận chay mặn đều dâng tặng lễ tế, tỏ lòng thành, trĩu nặng chuyện tâm linh trời đất.
Làng Trúc Lâm nhìn từ trên cao.

Tôi đã lên làng này hai lần rồi, nhưng không nghĩ nó danh tiếng đến thế. Làng Trúc Lâm xã Hương Long huyện Hương Trà, được lan truyền là làng sống thọ nhất Huế. Tôi vẫn lấn cấn hoài nghi, bởi xứ sở nông nghiệp này, làm nông ai chẳng phải một nắng hai sương, ăn uống đạm bạc, đâu chỉ mỗi Trúc Lâm?

Trúc Lâm không phải là làng Phật Giáo đi ra từ một hệ phái đời Trần, mà theo như thầy Nguyễn Vũ - tổ trưởng bộ môn Sử trường Quốc Học, thì quê thầy ngày xưa là rừng tre trúc. Đó là một làng phía Tây cuối cùng của thành phố Huế khi thành phố chưa mở rộng ra thêm, đã xuất hiện tên trong Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An thời Lê Thánh Tông. Làng mang tiếng có sông Bạch Yến, nhưng có chảy qua làng đâu, mà cách 200m.

Thuở đó, trâu chính hiệu là bạn thứ thiệt, trăm thứ cày bừa chuyển đồ đạc, không có nó thì nông dân chết. Cho ăn thì phải cho nó tắm, ông khai canh của làng bèn xin làng An Ninh Thượng một lối đi xuống bến sông để trâu dầm. Đổi lại, làng kia thiếu đất cho trâu ăn, Trúc Lâm nhường lại cho mấy cái gò. Có bến rồi, thì sản vật của làng từ Huyền Không Sơn Thượng về, nối giao thương chỗ này nọ.

Tuy đã có trao đổi nhượng địa, nhưng để giao tình, từ thuở mịt mùng tre trúc đó đến bây giờ, mỗi năm Trúc Lâm đều có một mâm trầu cau rượu đi lễ thu tế cho An Ninh Thượng, nên bến sông đó gọi là Bến Lễ.

Lễ tế cô hồn.

Anh Trần Đẩu nhiệt tình chở tôi đi từ đàn tế Âm Hồn đến chùa, đình, miếu thờ thần, mục sở thị thời gian ngang dọc trên từng trụ biểu, bình phong. Gạch đá bạc màu, lặng phắt, duy có những gương mặt sắp chạm tròn một thế kỷ ở đây, thảy hài hước, an nhiên và đi đứng khoan thai.

Ông Phan Xườn, 91 tuổi, đi chữa bệnh viêm phổi ở bệnh viện mới về, nheo mắt hóm hỉnh: “Đau trong ngực, mệt lắm, ăn hả, sợ không có mà ăn! Tôi là nhỏ, nhiều ông 95 - 96 tuổi. Đau ruột, bác sĩ không cho uống nước chè nữa. Bí quyết chi mô, ai biết răng sống thọ, tôi có làm thầy mô”. Tôi ngó sắc diện ông, thầm nghĩ, xem ra còn lâu, nhất là đôi mắt còn vụt sáng nét tinh nghịch. Những ngón tay to bè, sần sùi như đại hiệp luyện công, những mảng thớ như tượng đẽo trên gương mặt nông phu kiêm sơn tràng chìm nổi.

Tôi nhớ có lần hỏi một ông 104 tuổi mà còn xước mía ăn ở Đại Lộc – Quảng Nam, ông nói đời mà có chi nhăn nhó, mau tổn thọ, khổ mình thôi, nụ cười mười thang thuốc bổ. Ôi trời, có dễ chi mô, may ra là biết không cười thì vẫn khổ, hoặc thấy nó là niềm vui, chứ sống như ta đang sống, nụ cười dần biến mất.

Người làng Trúc Lâm mang vật phẩm đi tế lễ đàn Âm Hồn.

“Tôi còn uống được chai bia mà”, ông Hoàng Trượng 95 tuổi cười như… Di Lặc, lộ hàm răng lỗ chỗ trống hoác, vịn vai tôi thân mật giữa sân nhà ông. Khi nãy ngồi chờ, con dâu ông 61 tuổi nói mẹ ruột chị là bà Nguyễn Thị Chút thọ 103, sau 8 tháng nằm đau không đi lại được, chứ trước đó bà như người bình thường, còn đi ra ruộng hái dưa bẻ bắp.

Trong nhà, bà Phan Thị Mỹ vợ ông Trượng nay 93 tuổi, trời giao mùa bị cảm nặng, ráng ngồi dậy nói chuyện với khách đúng một câu. “Thì quanh nhà có chi ăn nấy, làm ruộng từ lúc ba mẹ sinh ra tới chừ thôi”. Tôi nghe, gọn như một tiếng chuông, mà ngân dài hơn bao trang sách dạy ăn và sống.

Ông Trượng đi lãnh tiền của người cao tuổi. “Con đầu tôi nay 71, cháu gọi là cố có 10 đứa, còn cháu nội thì khỏi tính. Tôi như bà con thôi, cả đời làm ruộng. Ba năm rồi con không cho làm nữa. Ăn ngủ bình thường, không làm ruộng thì tập thể dục. Làng ni, ai cũng nhớ câu: Đầu làng có một cây đa, giữa làng cây quáo, ngã ba cây dừa. Mấy ông già trồng để bà con đi làm đồng về dừng chân nghỉ nắng, tránh mưa”.

Ông nói đến đó là dừng và cười. Còn tôi, nhớ thầy Nguyễn Vũ kể năm kia cúng tế Âm Hồn, anh có nhớ ông Tiếu 106 tuổi nói với anh: “Mấy thằng 85, 90 tuổi là mấy đứa con nít, biết chi”, cười ngất, rồi tôi lạc vào miền hun hút mơ màng thuở đường làng có ba cái cây. Người như cây. Tự nhiên như vạn vật. Niềm an lạc sẽ lên ngôi từ đó, thân tâm mát lành như giếng quê, uống nước giếng sẽ thanh lọc bao khổ nhọc muộn phiền, bởi đó là máu của đất.

Giếng Bót đầu làng có từ thời Lê Thánh Tông.

Tôi đi dọc đường làng, giữa có một con hói thông ra sông Bạch Yến, vật đổi sao dời khiến 12 cái giếng đại diện cho 12 tộc họ trong làng, giờ chỉ còn 3 cái. Đầu làng là giếng Bót. Thành giếng bằng vôi cũ, còn nguyên. Cỏ mọc bên trong lòng, xanh rêu đóng lớp, bên ngoài bạc thếch nắng mưa. Anh Đẩu nói đáy giếng có đóng hộp vuông bằng gỗ lim dày mo. Mùa đông nước ấm, mùa hè mát, thế hệ anh hay thầy Vũ thuở chăn trâu, toàn múc nước giếng chứ có đun sôi đâu mà chẳng ai đau bụng.

Tôi nhìn giếng, nhớ những người đàn ông đàn bà đã qua 80, 90 tuổi vừa gặp, hình như họ có gương mặt như giếng, bên trong vẫn ấm mát cuộc đời, vẫn đi lại, cày cuốc, nghỉ ngơi và nheo con mắt nhìn thế gian trong cơn nhộn nhạo quá dư thừa không cần thiết. Một chữ Không to tướng an nhiên đi cùng một đời cặm cụi với đất và trở về cát bụi.

Thầy Vũ nói làng có đặc biệt là uống chè tươi quanh năm. Khách thăm làng sẽ được đãi chè tươi chứ không phải là nước lọc. Họ nhẹ nhàng, thực phẩm phần lớn tự cung tự cấp nên sạch, cả thuốc lá một thuở chưa xa cũng tự trồng mà hút, nặng về đời sống tâm linh, không bị áp lực ngoài kia, dù cách thành phố có bao xa đâu. Lúc anh ra trường đi dạy, mua được chiếc xe máy, lần đầu trong đời mẹ anh rời làng trên chiếc xe máy sau lưng con xuống thành phố, mới biết chỗ nọ chỗ kia, biết trường đại học sư phạm Huế mà 4 năm trước ai hỏi con học đâu, bà đều rành rọt “dưới phố!”…

Vùng này còn có tên là Thiên Ngưu (trâu trời), nhưng họ một đời cực khổ như trâu nhà chứ chẳng như trâu trời. Ông Nguyễn Mãi 85 tuổi đang xúc cát sạn đổ bê tông cho mấy cái chậu và bể cá, phủi tay tiếp khách.

“Cực kinh lắm chú, làng Trúc Lâm cực nhất xã ni, nhưng thọ cũng nhất luôn. Người trên 80 tuổi hiện giờ trên 50 người, 90 tuổi thì trên 30 người, còn 70 trở lên thì khỏi, tính ngán luôn! Tôi đây đi câu cá, làm ruộng, ai nói tôi 85 tuổi đâu? Cực quá mà quên nghĩ về mình, quên tuổi tác. Làng tôi có câu mây-giang-than-ngọn (lá nón). Bốn mùa, cứ theo bốn nghề làm mây, bứt giang, đốt than, cắt lá nón mà kiếm ăn. Có xa mô, hơn 20 năm trước, sáng sớm tôi còn vác cặp lồ ô đi xã khác đổi lấy gạo mắm về cho nhà. Tôi nghĩ, do cực mà thọ thôi. Nhưng anh đi tìm ông Trần Viết Đăng nớ, 89 tuổi còn đạp xe xuống dưới thành phố chơi để ăn bún hến”.

Ông Trần Viết Đăng 89 tuổi.

Ly chè xanh nóng trên tay tôi. Tôi đã gặp ông Đăng ngay đầu ngõ, khi ông phóng xe vun vút, mà con trai ông nay 60 tuổi tìm mấy quán, nói có khi ổng đi mua… số đề, nhưng ông cười hơ hơ nói đi hớt tóc, bởi có làm chi đâu, ăn sáng xong đạp xe đi, trưa ăn, chiều lại đạp, 5 giờ về ăn, ba năm rồi con cháu không cho làm nữa, kể từ lúc vợ ông mất, thọ 85 tuổi. Râu ông dài, trắng tay, đạp xe ngược gió xõa qua hai vai phơ phất như cao thủ ở ẩn phái Võ Đang. Ông cũng nói, do cực mà thọ.

Đời sống là đánh đổi. Ai chẳng muốn sướng. Nhưng hạnh phúc tuổi già ít đau ốm, an nhiên, thong dong với mọi sự, sao khó quá. Ở cái làng này, thọ do cực, nhưng tâm bất động, liệu ta có làm được không, bởi có khi cầm cái cuốc như họ, ta sẽ làm miệt mài không nhớ phận áo rách bụng sôi hay là như trâu bỏ cày, người bỏ ruộng giữa chừng than trời la cực? Với họ, hình như phiền khổ bất lực trước những nụ cười mà bạn đi cùng nói họ cười như không, như trượt qua hết những chân ruộng chi chít không khoan nhượng in hằn gương mặt dãi dầu, và khi buông tay cuốc, là họ về với đất.

Tre trong làng không còn nhiều, nhưng cũng đủ đánh đu trước mặt khách. Bao nhiêu cơn bão, có quật ngã được tre đâu. Hình như tôi thấy tre trúc cười trước những trầm tư, rằng nghĩ làm chi, có cái gì dẻo dai và muôn đời một màu nguyên xuân như tre trúc…

Sách dạy trúc, mai, lan, cúc được coi là Tứ quân tử, nhưng duy chỉ trúc là xanh bốn mùa, rỗng ruột, vươn thẳng tiết tháo. “Gió là vật không có chất mà có khí, trúc là vật có chất mà không có tâm, cho nên trúc nhân gió mà thành tiếng, gió nhân trúc mà có hình tích. Bởi thế, gió đến thì trúc kêu, gió đi thì trúc thôi; gió lớn thì kêu lớn, gió nhỏ thì kêu nhỏ, đó là tại gió chứ không phải tại trúc. Trúc vốn là tự như, cao như tiếng hạc, lanh lảnh như tiếng rồng, ồ ồ như tiếng sóng, từ từ như tiếng trúc bội, tiếng u có thể sửa được lòng tục, tiếng thanh có thể sửa được nỗi phiền, càng kêu càng lạ, mà không bao giờ hết được, cũng là tại vô tâm, mà sự ứng diệu là ở gió vậy. Tuy thế mặc dù, cái mà làm cho thiên cơ xướng phát, chân vận du dương là cũng bởi cái thú tự đắc của thính giả. Nhã hay tục, thuần hay tì, có dự gì đến trúc. Trúc ôi! Trúc ôi! Cái hữu thủ của ta là ở trúc vậy” - (theo bản dịch của Trần Trọng Kim trong tác phẩm Nho giáo).

Đêm đông gió lùa, đọc lời mở đầu Phong Trúc Tập của Ngô Thế Lân cuối đời Hậu Lê dẫn trong cuốn này, thấy người làng tre trúc đó như những mảnh sót lại hiếm hoi của một thuở “Nghiêu Thuấn tâm tư” với tràng cười như tiếng sáo trúc hiếm hoi giữa đất kinh kỳ...

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất