, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 13/10/2021, 08:34

Tiêu thụ vải thiều giữa mùa dịch: Không còn là giải cứu

ĐÔNG KHÁNH
Với nhiều cách làm sáng tạo, mùa vải thiều năm nay, vải Bắc Giang đã lần đầu tiên xuất hiện ở nhiều thị trường xuất khẩu khó tính và trên nhiều sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng của các tập đoàn phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong nước.

Bắc Giang có hơn 28.000ha vải thiều, trong đó có 15.500ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 340ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều toàn tỉnh vụ năm nay đạt trên 215.000 tấn, tăng trên 50.000 tấn so với vụ năm 2020. Tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt trên 126.000 tấn (58,6%) và xuất khẩu trên 89.000 tấn (41,4%). Giá bán bình quân cả vụ ước đạt 19.800 đồng/kg, giá xuất khẩu dao động từ 30.000 - 55.000 đồng/kg. Riêng ở các nước Nhật Bản, Pháp, Đức, Hà Lan… giá bán ở mức rất cao, từ 350.000 - 450.000 đồng/kg. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ của tỉnh Bắc Giang đạt trên 6.800 tỷ đồng.

Vải thiều Lục Ngạn năm nay được đánh giá được mùa, và giá cả tương đương với năm 2020.

Chủ động, chính xác trong kế hoạch ứng phó

Năm nay, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và người dân, vải thiều được mùa hơn so với năm trước. Trong khi đó, dịch Covid-19 lại diễn biến hết sức phức tạp ngay tại địa bàn Bắc Giang nên dự báo việc tiêu thụ sản phẩm vốn đã khó sẽ càng thêm khó.

Trước bối cảnh đó, chính quyền huyện Lục Ngạn - thủ phủ vải thiều - đã xây dựng 3 kịch bản cho việc tiêu thụ nông sản chủ lực này, trong đó kịch bản đã được áp dụng là tiêu thụ 70% trong nước (khoảng 130.000 tấn), 30% xuất khẩu (khoảng 50.000 tấn). Phương án tiêu thụ vải ở thị trường trong nước sẽ gồm: kênh tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử; các chợ đầu mối; các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ; sản lượng vải loại 2, 3 chuyển chế biến sấy và chế biến khác. Để chủ động ứng phó với tình huống xấu nhất là không bán hết vải thiều, huyện Lục Ngạn cũng hỗ trợ người dân xây dựng hơn nghìn lò sấy vải. Đây được xem là phương án cuối cùng trong tiêu thụ vải thiều.

Về phía tỉnh, nhận định dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ hạn chế việc xuất khẩu tiểu ngạch, thương nhân nước ngoài sẽ khó sang Việt Nam mua bán trực tiếp trong khi việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh thành trong nước nhiều khả năng gặp khó do lệnh phong tỏa, giãn cách để phòng chống dịch của các địa phương, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang ngay từ sớm đã có văn bản báo cáo Chính phủ và gửi các địa phương đề nghị tạo điều kiện cho vải thiều lưu thông bằng các “luồng xanh” thuận lợi. Tỉnh cũng chủ động lập hai tổ công tác hỗ trợ xuất khẩu vải thiều đóng chốt tại cửa khẩu các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn. Hai tổ này sẽ theo nắm thông tin, xử lý tại chỗ những khó khăn trong quá trình lưu thông qua cửa khẩu, hướng dẫn doanh nghiệp, thương nhân quy định chống dịch của từng địa phương trên đường vận chuyển.

Sau khi chinh phục thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, vải thiều Lục Ngạn đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào EU, hưởng những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Một số thị trường xuất khẩu mới của vải thiều Bắc Giang như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia... cũng cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà người dân Lục Ngạn tập trung làm là bảo vệ vùng vải thiều an toàn. Các chốt kiểm soát tiến hành giám sát chặt chẽ người ra vào, xét nghiệm Covid-19 nhanh các đối tượng như lái xe, thương nhân đến thu mua vải thiều… để kịp thời khoanh vùng, cách ly, ngăn chặn dịch bệnh. Trong các thôn làng, suốt thời gian thu hoạch, các chủ hộ trồng vải tuân thủ hết sức nghiêm túc khuyến cáo 5K, “nhà nào ở yên nhà nấy” không giao thiệp, qua lại để phòng tránh dịch bệnh lây lan làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch cũng như mua bán và chất lượng sản phẩm.

Năm nay, hầu hết lao động ngoại tỉnh từ Lạng Sơn, Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Nguyên… đều không đến Lục Ngạn vì Bắc Giang đang là tâm dịch, do vậy, nhân công thu hoạch khan hiếm. Để khắc phục, huyện thông qua các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và lực lượng vũ trang huy động hơn 2.800 thành viên thành lập 317 tổ, chuyên giúp chính quyền rà soát, thống kê các hộ trồng vải có nhu cầu về lao động để bố trí nhân lực hỗ trợ bà con thu hoạch kịp thời.

Đối với vải thiều xuất khẩu, địa phương yêu cầu các cơ sở thực hiện một cách nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu từ thu mua, đóng gói tới vận chuyển. Các lô vải thiều Lục Ngạn, dù tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu, đều có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh Covid-19.

Sự hỗ trợ hiệu quả

Thực tế những ngày qua, ngoài xuất khẩu thuận lợi, nhiều bộ ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp trong nước đã chung tay hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ vải thiều.

Trong nước, chính quyền tỉnh Bắc Giang từ sớm đã kết nối với các tập đoàn phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại như: Aeon, Central Retail, MM Mega Market, Vincom, Lotte, Big C, Saigon Co.op, Fivimart và Citimart… nhằm đưa quả vải lên kênh phân phối này; trong đó Tập đoàn VinCommerce dự kiến thu mua 2.000 tấn vải phân phối trên trang thương mại điện tử và tại hệ thống hơn 2.500 cửa hàng, siêu thị VinMart, VinMart+ trên toàn quốc. Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cam kết tiêu thụ ít nhất 180 tấn vải thiều Lục Ngạn. Các hãng hàng không như: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và ngành đường sắt cũng đã tích cực hỗ trợ vận chuyển vải với giá ưu đãi. Nhiều cá nhân, tổ chức trong nước cùng tham gia hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên mạng. Sàn thương mại điện tử Sendo còn quyết định giao mặt tiền trên Facebook và hướng dẫn nông dân livestream bán vải. Tỉnh Đoàn Bắc Giang cắt cử cán bộ đoàn các cấp bám sát, hỗ trợ nông dân trong khâu thu hoạch, đóng gói, hướng dẫn cách thức thao tác trên các kênh bán hàng trực tuyến cho đến khi người dân sử dụng thành thục.

Hiệu quả từ việc tận dụng công nghệ

Điểm mới đặc biệt trong việc tiêu thụ vải thiều năm nay của Bắc Giang là đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, tăng cường kết nối trực tuyến trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc vải thiều được bán đồng loạt trên các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam (Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada và Alibaba) được xem là bước đột phá trong việc tiêu thụ vải năm nay. Để đảm bảo chất lượng vải, sau khi khách chốt đơn trên sàn, nông dân Bắc Giang dồn lực thu hoạch vải cho kịp, sau đó đóng thùng xốp, giữ lạnh đúng quy cách, dán tem truy xuất nguồn gốc và vận chuyển nhanh bằng mọi hình thức (xe lạnh, máy bay) về các địa phương. Các đơn hàng tới tay người tiêu dùng trong vòng 2 - 3 ngày.

Có thể nói đây là lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản và có hệ thống trên các sàn thương mại điện tử lớn. Hoạt động này đã giúp vải thiều Bắc Giang tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế nhanh, rộng hơn, phù hợp với phương thức bán hàng thời kỳ công nghệ 4.0 và tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

*

Phán đoán tình hình chính xác, chủ động, sáng tạo trong kế hoạch ứng phó, được cả nước chung sức hỗ trợ, mùa vải năm nay Bắc Giang không chỉ tiêu thụ sản phẩm rất tốt giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành tại địa phương mà thông qua việc này còn rút được nhiều kinh nghiệm quý giá, đồng thời cung cấp cho nhiều địa phương khác những bài học thực tiễn về giải pháp tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện địa phương bùng phát dịch bệnh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Không phải bây giờ lời kêu gọi sống chung với biến đổi khí hậu, dân gian gọi là thuận thiên mới vang lên. Nhưng nội hàm của thuận thiên, đến lúc phải thay đổi trong cái nhìn...
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất