, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 14/01/2023, 08:00

Về quê, nhớ… cẩn thận

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Lang bạt kỳ hồ phương Nam, lâu lắm mới có dịp về thăm quê ngoài Bắc.
Hình minh họa.

Sắm quà lỉnh kỉnh đem về. Về quê là… tốn kém. Nhớ lần về trước lâu lắm rồi, bánh kẹo, áo quần không dùng còn tốt, còn lo phong bì cho các cụ lớn tuổi. Mà nghe có người ở xa về, bà con kéo đến đông lắm. Thậm chí nhà ai đến trước, phải tính toán cho đủ kẻo sơ suất. Vậy nên tốt hơn cả là ghé nhà cô em ở Hà Nội đã, nghe cô … “cố vấn”.

Cô em thấy chị lỉnh kỉnh túi, gói thì dặn: “Chị đi xa lâu ngày không về, phải…cẩn thận”. Bà chị gật: “Biết rồi, chị đã tính đủ”. Nhưng cô em bảo: “Em nói cẩn thận có nghĩa là chị xa quê lâu nên không rành tình hình. Nhà quê bây giờ họ… giàu -  có khi hơn mình đó, đừng cho mấy cái vớ vẩn như xưa nữa. Họ không mặc quần áo cũ đâu. Bữa nọ, ông chú ở Mỹ về đem theo quần áo, họ nhận nhưng … không mặc, bảo lạc mốt rồi. Khổ thân “ông cậu đô-la”. Bên ấy đi làm mấy việc một lúc, chắt chiu, về làng thấy bọn trẻ nó diện như giời. Có đứa còn bảo thương ông cậu. Phải cẩn thận”.

Té ra là vậy. Thôi thì em làm tham mưu cố vấn sao cho mọi chuyện tốt đẹp. Ngoài việc thăm mồ mả tổ tiên ông bà, mình có bữa cơm đãi mọi người, rồi quà thì… thế này, thế này…

Về quê giật mình thấy gần như không còn nhà tranh vách đất. Con cái đi xuất khẩu lao động gửi tiền về, người ta thi nhau xây nhà lầu. Ngày xưa, đường ra mộ các cụ, phải lội khổ thì nay rất dễ đi. Nông thôn mới “điện đường trường trạm” khá đẹp.

Đến trưa thì mọi người về đủ. Thằng cháu đi làm gần nhà, tranh thủ “đánh cây cảnh” về để đầy vườn. Cây cảnh đắt hàng, kinh tế cao hơn lúa. Ơ, thế nông dân lại chê trồng lúa hả cháu? Con em thì… diện chả thua gì mấy cô thành phố, bảo “cháu chào bác, cháu đi làm về”. “Mày làm đâu, cháu?”. “Gần ngay trong làng, cháu mở cửa hàng… thẩm mỹ chăm sóc da, làm tóc ạ”.

Sống dễ chịu thế này, sao nghe nói ở nhà quê, thanh niên đi hết, chỉ còn ông bà già với trẻ nhỏ nheo nhóc? Dạo nọ, đi máy bay ngồi phòng chờ mới hỏi thăm nhau, có bà bảo: Vào Vũng Tàu nghỉ mát thăm con. Ở làng bây giờ, khu công nghiệp lan đến tận lũy tre rồi, bán đất hoặc cất nhà trọ cho công nhân thuê. Cả làng cháu không còn  nuôi nổi… một con lợn bác ạ. “Sao vậy?”. “Là vì bọn trẻ, khỏe đi làm hết, ông bà già chỉ trông cháu, cơm nước, chứ không còn đủ sức nuôi lợn nữa”. Suốt vùng Chí Linh (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang) như khu công nghiệp… Nhật, Hàn thiếu gì. Đó là chưa kể những làng trái cây xuất khẩu như nhãn, vải thiều…. giàu lên rất nhanh, đường xá mở, du lịch còn đến….

Nghe thắc mắc quá mới hỏi vặn: “Thế sao nhà nước vẫn phải cứu trợ, rồi báo đăng bao nhiêu người nghèo khổ? Họ… biến đi đâu hết”. Bà kia ngớ ra: “Cứu trợ ở đâu thì cháu không biết, chứ làng cháu không có ai. Thậm chí, có nhà sắm ô tô nữa đó… Một mùa trúng vải thiều là sắm được cả… con ô tô chứ gì”. Định cãi lại là đổi bao vất vả làm thuê xứ người chứ không bở ăn đâu. Nghe chuyện mấy chục người đi tìm việc nhẹ lương cao ở Campuchia tháo chạy bơi qua sông vượt biên chưa… Nhưng thôi, bến tàu xe đâu phải chỗ… bàn cãi ra lẽ làm gì. Ai nghe.

Một ông khách ngồi bên góp chuyện. Ôi dào. Là xứ ta hay đua nhau bề ngoài thôi. Xây nhà lên nhưng bên trong chả có gì. Người ta xây, mình cũng xây; người ta sắm xe, mình cũng cố. Chứ cháu thấy như chỗ cháu vào làm, người ta giàu có cứ tỉnh bơ, có bà trông rất vớ vẩn mà… đất đai tiền tỷ nha. Giàu nghèo giờ chả biết đâu mà tính. Nhưng mà chắc một điều, về quê giờ không còn quá nghèo như xưa nữa. Nhiều người nghỉ hưu thành phố tìm về quê xây nhà làm vườn là chuyện có thật không ai cãi. 

Cứ bảo ra Hà Nội thăm bà con bạn bè, mà hỏi nhà thì đâu có ở… phố cổ cả đâu. Nghe nói sang trọng sang bên Ecopark cả. Thật ra, bắn khỏi Hà Nội, về tận… Hưng Yên ở rồi, chứ đâu còn… Hà Nội. Kinh thật. Thành “dân nhà quê” chứ còn gì?

Ngẫm ra cô em của nhà nọ khuyên về quê bây giờ… phải cẩn thận. Nhiều thứ thay đổi lắm rồi. Khái niệm nhà quê bây giờ thật…bao la.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất