, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 02/02/2024, 08:00

Nước mắm truyền thống hồi sinh nhờ bắt trend làm quà Tết

Gần đây, nhiều người không khỏi bất ngờ khi thấy từng chai nước mắm làng nghề Nam Ô, Đà Nẵng tưởng như lụi tàn nằm lung linh, bắt mắt trên kệ quà Tết.

Kể từ sau rằm tháng Chạp, Hương Làng Cổ - lò mắm lớn nhất làng nghề Nam Ô - chộn rộn người. Trong các khoảng trống ít ỏi, lu sành, màng lọc chưng cất được dựng san sát lối đi. Từ ngoài ngõ đi vào đã thấy dậy mùi đặc trưng của dòng nước mắm cá cơm truyền thống.

Lu sành, màng lọc chưng cất được dựng san sát lối đi.

Bà Phan Thị Ngọc Bích, hộ làm nghề nước mắm làng Nam Ô, TP Đà Nẵng chia sẻ: “Gia đình tôi trước giờ làm nước mắm là chỉ có muối với cá thôi chứ không có chất bảo quản, vì truyền thống cha ông để lại như vậy. Hồi xưa tôi đổ nước mắm vô cái chai rồi xách đi bán thôi, nhưng giờ thì phải biết làm mẫu mã cho đẹp thì bán mới được. Thế nên muốn bán chạy phải làm ra sản phẩm vừa chất lượng, vừa đẹp".

Hiện toàn Nam Ô có trên dưới 40 lò nước mắm truyền thống, mỗi năm đưa ra thị trường hàng chục ngàn lít. Đặc biệt, vào dịp Tết, nước mắm Nam Ô bán rất chạy và chủ yếu được thiết kế dưới hình thức các giỏ quà tặng, gắn với xu hướng sống xanh, sạch, quay về các giá trị truyền thống của người tiêu dùng.

 Làng nghề nước mắm Nam Ô có lúc tưởng đã lụi tàn, chỉ còn vài hộ theo nghề. 

Nước mắm Nam Ô ngon nổi tiếng nhờ nguồn cá cơm và công thức ủ của người làng biển. Tuy nhiên do chậm thay đổi, thiếu tư duy thị trường nên làng nghề này có lúc tưởng đã lụi tàn, chỉ còn vài hộ theo nghề.

Rất may, từ năm 2017, thương hiệu nước mắm nổi tiếng này của TP Đà Nẵng bỗng “hồi sinh” nhờ những người trẻ học hành bài bản, quyết tâm quay về vực dậy và duy trì nghề với phương châm: tuyệt đối không dùng hóa chất, phụ gia trong quy trình làm nước mắm và phải chấp nhận “cởi bỏ lớp áo cũ kĩ, thô ráp của quá khứ” để thay mẫu mã mới cho từng chai nước mắm.

Tết là cao điểm xuất hàng của nước mắm Nam Ô. Nước mắm vẫn làm theo công thức truyền thống nhưng chai được thiết kế đẹp từ màu sắc, hình ảnh mang ý nghĩa chào đón Tết. Đặc biệt, các cơ sở còn thiết kế các giỏ nước mắm nhỏ xinh, đóng thành hộp giấy, bên ngoài hộp là câu đối và lời chúc Tết trang trọng. Bao bì, mẫu mã cũng được thiết kế theo xu hướng sống xanh, tối giản, thân thiện môi trường.

Nước mắm truyền thống Nam Ô có hương vị thơm ngon đặc trưng.

Ông Bùi Thanh Phú, chủ xưởng nước mắm Hương Làng Cổ cho biết: “Hiện chúng tôi cũng cho ra các dòng sản phẩm cao cấp hơn, thời gian ủ lâu hơn, mẫu mã cũng được trau chuốt rất đẹp để phục vụ nhóm khách hàng là các công ty lớn làm quà tặng cuối năm. Nhờ vậy, Hương Làng Cổ đạt được doanh số đề ra là 8.000 lít trong dịp Tết này”.

Không chỉ bán theo kênh truyền thống ở chợ, nước mắm Nam Ô còn vào hội chợ, siêu thị để tiếp cận với nhiều người tiêu dùng. Nước mắm cũng không đơn thuần chỉ làm từ nguồn cá cơm nữa mà người trẻ đã sáng tạo ra đủ chủng loại: nước mắm tép, thậm chí mới đây dân mạng còn “rần rần” món… cà phê mắm cá.

“Thay áo mới" cho nước mắm Nam Ô.

Ngày Tết tặng nhau chai nước mắm thể hiện ý nghĩa cầu chúc một năm đậm đà, mặn mà - là điềm lành đầu năm. Hơn nữa, so với nhiều món quà xa xỉ khác, nước mắm mang tính thiết thực, có thể dùng quanh năm. Ngày Tết thì dùng nước mắm kho cá, muối thịt, ủ dưa… Thiếu nước mắm, mâm cơm Tết cũng kém đi vị đậm đà.

(Bài do Tạp chí điện tử Nông thôn Việt phối hợp với Truyền hình Báo Tuổi trẻ thực hiện)

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất