, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 14/03/2023, 14:52

Chúng ta chỉ mới tập… biết điều

KIM LONG
15 năm trước, khi phân lập hơn 40 quả thể của loài nấm hương Lentinula edodes, tiến sĩ Trương Bình Nguyên đã phát hiện chủng nấm này có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện nuôi trồng nhân tạo trên cơ chất mùn cưa gỗ cao su. Từ đó, một trong những nguyên liệu để ông tạo phôi nấm là tận dụng gỗ cao su nhưng chỉ lấy cành, phần “vô hại” nhất sau mỗi chu kỳ thu hoạch.
Hình minh họa.

Sau khi thu hoạch, phôi nấm lại tiếp tục được ông tận dụng làm nguyên liệu cho các cây dược liệu. Ông nói, không có khái niệm “rác” mà chỉ có “nguyên liệu”. Cái được gọi là chất thải và phế phẩm của quá trình nuôi trồng này được xem là đầu vào của quá trình nuôi trồng - sản xuất khác thông qua việc áp dụng hữu hiệu công nghệ. Đồng thời, giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Câu chuyện đó giúp tôi một phần trong việc hiểu kinh tế tuần hoàn. Phần còn lại tôi hình dung là cách con người ngày một “biết điều” hơn trước thiên nhiên, khôn ngoan hơn trong khai thác, nuôi dưỡng tài nguyên, để từ đó biết nương nhờ vào sức mạnh của tự nhiên.

Cũng cần nhớ, nấm là “đứa con của rừng”, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cân bằng sinh thái. Việc phát hiện loài nấm Lentinula edodes có thể tương thích với cơ chất mùn cưa gỗ cao su được tận dụng, cho thấy, tính tuần hoàn không đơn thuần chỉ là yếu tố kỹ thuật để đảm bảo sự cân bằng về nguồn nguyên liệu, môi sinh mà còn mang theo cả yếu tố “bí ẩn” trong quy luật sinh tồn như một dạng thức “văn hóa của tự nhiên”.

Việt Nam từng áp dụng nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ sơ khai đến… cận hiện đại. Thử điểm lại mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), VAH (vườn - ao - hồ), VACR (vườn - ao - chuồng - rừng), VACB (vườn - ao - chuồng - Bioga) cho đến mô hình lúa - tôm, lúa - cá, trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả, mô hình chăn nuôi an toàn A9 sinh học 4F (farm - food - feed - ferlitizer: trồng trọt - thực phẩm - chăn nuôi - phân bón)…. đều cho thấy ý thức thích nghi cao trước biến đổi môi sinh, ý thức tìm kiếm, kết nối, ứng dụng và tận dụng trong chuỗi tuần hoàn nguyên liệu - sản xuất - tái sử dụng phụ phẩm.

Song, sự bền vững về mặt “cấu trúc” của nền nông nghiệp vẫn không cao, không chỉ xét từ cuộc càn quét của làn sóng địa ốc và nạn đầu cơ bất động sản tràn khắp; thì bản thân các mô hình vẫn khó đứng vững, hoặc hiệu quả phục vụ đời sống, nhu cầu của người dân không đủ để hình thành như một tập quán canh tác. Để đến hôm nay, trong “cơn hấp hối” chung của khí hậu toàn cầu thì bài học vỡ lòng - dưới cái tên gọi mỹ miều “kinh tế tuần hoàn” lại được đem ra học lại từ đầu.

Khi các nước đã bắt đầu hái những “quả ngọt” từ nền kinh tế tuần hoàn thì thời gian gần đây, Việt Nam chúng ta mới bắt đầu rục rịch. Ở đây nói đến một sự rục rịch về đường lối quốc gia (còn thực ra, ở ta, cũng đã có một số doanh nghiệp năng động tự đi một con đường khó gần mươi năm trước, có điều số đó không nhiều).

Tới ngày 7/6 năm ngoái, chúng ta mới có một văn bản “khả dĩ” nhất liên quan đến kinh tế tuần hoàn, đó là Quyết định 687 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Nói riêng trong ngành nông nghiệp, dù đã bàn tới câu chuyện phụ phẩm nông nghiệp từ lâu; song tới Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta mới lần đầu tiên đề cập tới vấn đề này.

Có điều, để các văn bản này được thực thi trong thực tế, chúng ta vẫn đang chờ… kinh tế tuần hoàn thực sự diễn ra ở Việt Nam. Trong khi đó, nguồn phụ phẩm thải ra mỗi ngày một nhiều. Một con số thống kê gần nhất cho thấy, tổng phụ phế phẩm trong nông nghiệp ước tính khoảng 160 triệu tấn/năm. Nếu khai thác tốt nguồn phụ phẩm này, đất nước ta sẽ có thêm hàng chục tỉ USD.

Vấn đề là từ học tới hành, quy trình kỹ thuật đã xây dựng nhưng áp dụng nó trong thực tiễn với tính tuân thủ cao, tính khoa học được đảm bảo thì mới “nghiệm thu” một kết quả bền vững. Và quan trọng nữa là lộ trình thực thi, nói cho dễ hiểu thì bao giờ mới bắt đầu làm, và làm bắt đầu từ đâu, bởi ai để ít nhất cũng có một điểm xuất phát - vận hành - kết thúc rồi lại xuất phát trong một chuỗi tuần hoàn?

Trong Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia Việt Nam năm 2021 của World Bank (công bố vào tháng 10/2021), tổ chức này đã khuyến cáo Chính phủ Việt Nam “sẽ phải học cách quản lý tốt hơn các tài nguyên không thể tái sinh của mình, bao gồm đất đai, rừng, nguồn cá và nước, bằng cách thúc đẩy phục hồi các hệ sinh thái và bằng cách điều chỉnh giá tương đối để thúc đẩy các hành vi bền vững hơn của cả doanh nghiệp và hộ gia đình”.

Nguyên nghĩa của từ “bảo tồn” (conserve) trong tiếng Latin là “giữ liền với nhau”, nông nghiệp tuần hoàn hoạt động không ngoài nguyên tắc giữ cho các thành phần của đất, nước gắn liền với nhau, tạo thành hệ sinh thái vô giá để từ đó, vừa là nguồn sản - sinh lương thực cho con người vừa “xoa dịu” những biến đổi khí hậu.

Đừng để đất và nước tới lúc phải kêu gọi “giải cứu” bởi đến lúc ấy, con người mới phải kêu cứu trước. Suy cho cùng, chúng ta cũng chỉ là một “phép luân hồi” nhỏ nhoi trong vòng tuần hoàn sinh - diệt giữa con người và tự nhiên.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất