Nghề làm bánh đã gắn bó cùng bà Út Mơi hơn 20 năm. Lúc nhỏ bà được mẹ truyền nghề và sau khi lớn lên, bà đã kế thừa và tiếp tục gói những chiếc bánh với đầy sự tâm huyết, cần mẫn. Vì tồn tại từ lâu, món bánh được bà làm ra đến thời điểm hiện tại đã trở thành thương hiệu quen thuộc với người dân địa phương. Với từng ý nghĩa trong mỗi loại bánh, bà gói ghém niềm yêu thích, chắt chiu lưu giữ hương vị truyền thống cho tới tận bây giờ.
Gia đình bà chủ yếu bán 2 loại bánh là bánh ít và bánh tét, có một điều đặc biệt, bà chỉ nấu bánh tét chay, không bán bánh tét mặn.
Theo thói quen, cứ đến mỗi xế chiều, gia đình bà Út Mơi lại bắt đầu công việc nấu bánh, con gái, con dâu của bà đảm trách việc xào nếp, nấu đậu đen, đậu xanh; ngâm gạo, vo rửa gạo, thái và ướp thịt hoặc chuẩn bị các loại nhân; chồng bà chuẩn bị nguyên liệu như nứa, tre dùng để gói bánh, công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo khi vót sao cho tre thiệt mỏng thành những sợi dây dài.
Được biết, làm bánh tét khâu quan trọng nhất chính là nguyên liệu phải hoàn toàn tự nhiên và tươi ngon nhất, gạo nếp thơm dẻo có độ xốp nhất định. Một chiếc bánh tét được xem là gói khéo nhất khi bánh tròn đều, lạt buộc chắc tay và khi cắt ra nhân bánh có hình tam giác. Về bánh ít, lá gai phải chọn lá bánh tẻ, có màu xanh thẫm, đem rửa sạch, loại bỏ gân lá, xé nhỏ rồi cho vào nồi nước sôi luộc thật nhừ. Bà Út Mơi luôn chú ý đến những điều này khi bắt tay vào làm và nấu bánh.
Sau đó, bà sẽ tiến hành gói, nấu chín bánh. Bánh được bà nấu kỹ, khi chín hẳn vớt ra và cho lên bàn sắp xếp ngay ngắn trong những chiếc nia. Cứ thế, đến khoảng tầm 5h30 sáng, bà đem bánh ra chợ và bày biện bán cho khách. “Số lượng bánh trung bình gia đình tôi làm ra để bán có thể tối đa hơn 150 đòn bánh tét, 1.000 cái bánh ít, mỗi đòn bánh tét sẽ có giá dao động từ 30.000 đồng - 40.000 đồng”, bà Út nói.
Bà chia sẻ thu nhập lúc cao nhất là vào dịp Tết, khi đó bà làm theo đơn đặt hàng của khách. Đối với ngày thường, nghề này mang lại cho bà thu nhập ở mức ổn định, người mua bánh của bà đa số là khách quen lâu năm.
Nhiều khách mua bánh bà cho biết đều mê mẩn hương vị đặc trưng khi ăn từng chiếc bánh, họ thường đặt bánh khi nhà có đám, vào dịp Tết hay đơn giản chỉ vì thèm thuồng những chiếc bánh truyền thống không phải cao lương mỹ vị gì, mà là một món ngon người ta hay bảo đùa là bánh “nhà quê”.
Bà út Mơi rất yêu và tự hào với nghề đã chọn. Phần vì bánh là nguồn kinh tế nuôi sống gia đình, phần khác, đây chính là những món bánh truyền thống quê hương. Bà luôn cố gắng giữ gìn hương vị và hy vọng nghề bánh truyền thống của gia đình ngày càng phát triển. Dẫu đã bước vào tuổi xế chiều, nhưng trong bà lúc nào cũng nung nấu một tình yêu vô bờ với nghề làm bánh truyền thống này. “Khi mắt mờ, tay yếu, chân đi không nổi thì đến lúc đó, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm và nấu bánh. Không thể dừng lại được vì cái nghề này chính là cuộc sống của tôi” - bà tâm sự.
Có lẽ, ẩm thực dân gian ngày nay đã phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự du nhập của các món ăn ngoại, nhưng nhờ có những người thợ lành nghề, luôn luôn giữ lửa như bà Út Mơi, mà nghề làm bánh truyền thống không bị mai một, lãng quên. Nghề này tuy không giàu, nhưng góp phần tạo nên kế sinh nhai, giúp gia đình bà có cuộc sống ổn định.