, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 12/02/2024, 19:00

"Quầy biệt dược" của Lê Duy Hạnh!

LÊ HUYỀN ÁI MỸ

Cách nhau đến gần 200 năm, trong khi hậu sinh B.Brecht (1898 - 1956, nhà soạn kịch Đức) xem sân khấu truyền thống là “quầy bán thuốc mê” - nơi người ta quần quật làm việc ban ngày, đến đêm mua vé vào rạp, tìm quên theo vui buồn trên sân khấu để sau khi vãn tuồng lại quay về đời thực đầy tăm tối thì tiền bối, nhà mỹ học người Pháp, D. Diderot (1713 - 1784) lại cho rằng chỉ có ở sân khấu, người diễn viên mới thật sự là “những người truyền giảng đạo nghĩa và đức hạnh hùng hồn nhất”, là “cái roi mà thiên tài sử dụng để trừng phạt những kẻ độc ác và những sự giả dối”.

Để rồi hơn trăm năm sau, nhà soạn kịch Việt Nam Lê Duy Hạnh (1947 - 2023) đã dựng nên “quầy bán biệt dược” để thức tỉnh lương tri con người trước bạo quyền, để công phá thói giả trá và tham quyền, để nuôi dưỡng khát vọng và giá trị muôn đời của lòng yêu nước, tình yêu con người và phẩm hạnh của cái đẹp, sự thiện lương.

Năm 1982, chỉ 7 năm sau ngày giải phóng, những nghi ngại dần khoét sâu thêm khoảng cách địa phương, thành phần xã hội cộng với “kiêu ngạo cộng sản” - chữ của Lê Nin mà trong phần tổng kết 10 năm sau ngày thống nhất, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã dùng đến, Lê Duy Hạnh viết Tâm sự Ngọc Hân. Ở đó, khi bị vướng vào án oan bức mật thư từ Lê Chiêu Thống, Bắc Bình Vương phu nhân đã thốt lên câu hỏi: “Chẳng lẽ người sản sinh trong triều đại cũ không có cách nào tồn tại với Tây Sơn?”.

Đáp lại Hoàng huynh Nguyễn Nhạc, Bắc Bình Vương cật vấn: “Chưa lúc nào phong trào Tây Sơn bị tấn công từ mọi phía như lúc này (…) Huệ nghĩ rằng, những rạn nứt ở nội bộ trong lúc này không cần thiết, mà chỉ có lợi cho kẻ thù. Huệ mong những ai đứng dưới lá cờ Tây Sơn hãy đem hết thân mình lo cho đại cuộc. Tất cả mọi người trên dưới một lòng, tâm đồng trí nhất, kết đoàn lại quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược”.

Chuyện kể lại rằng, khi phúc khảo, vở bị cấm. Nhân chuyến công tác vào Nam của Tổng bí thư Lê Duẩn, anh chị em văn nghệ đã tìm cách bố trí 1 buổi diễn ở T78 để “khán giả đặc biệt” coi. Coi xong, Tổng bí thư khen nức nở. Thế là Tâm sự Ngọc Hân công diễn tưng bừng.

Năm 1985, Lê Duy Hạnh lại viết Hoa độc trong vườn. Ngăn cản chúa vương Dương Đình Nghệ trước “con rắn độc” Kiều Công Tiễn không thành, trên đường lên ải Bắc dẹp giặc loạn, Ngô Quyền đã tự thán: “Tại sao trong chinh chiến ta không hề do dự, nhưng xây dựng lúc thanh bình ta lại nhân nhượng trong đấu tranh. Biết kẻ phá hoại sẽ lộng hành, tại sao ta chưa cẩn trọng, giữ gìn, nể nang, chờ đợi. Trong khi lẽ ra phải kiên quyết diệt trừ mầm mống gây ra cho đời bao điều thảm cảnh”. 40 năm sau, cuộc đấu tranh nhận diện sự “tự chuyển biến, tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là điều tất yếu. Nhưng nếu đặt để vào 40 năm trước, thì đó thật sự là một ngòi bút quả cảm và dự cảm sâu xa.

Trong Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc, người con đất Bình Định đã chỉ rõ: “Thái sư chỉ quanh quẩn chốn triều trung nên am tường lễ nghi phép tắc. Còn Xuân này, chỉ cần biết ai là ta, ai là giặc. Xuân căm ghét bọn người lập lờ nửa giặc nửa ta. Mầm loạn trong đầu chẳng chịu nói ra. Cho nên thời nhiễu nhương, người tưởng của ta mà lòng đà theo giặc”.

“Giặc” ở đây không chỉ/ không hẳn là một đối tượng hay thế lực thứ hai, bên ngoài, đối đầu, xung đột mà có khi là chính “giặc” ở trong chính nội bộ ta, trong nhận thức, thái độ của chính mỗi người đã đánh mất niềm tin, mục tiêu phụng sự lẽ phải.

Chiếc áo thiên nga là phép lý giải cho họa mất nước thời An Dương Vương Thục Phán, “Với Âu Lạc, ngươi có rất nhiều chiến công: dựng thành Cổ Loa, có được nỏ thần, là đấng anh hùng xây nền tự chủ. Nhưng thanh bình đã ru ngươi vào giấc ngủ. Ta, bạn, thù không phân định, gieo hoang mang từ quan, tướng đến thứ dân. Ngươi thích những lời ngợi ca ngươi là thánh, là thần. Ngươi xa lánh, cấm đoán những người như Cao Thục chỉ nói lên sự thật. Điều ngươi tưởng là còn, thực ra đã mất. Điều ngươi tin là mất, thực chất vẫn còn. Sự còn mất của chính ngươi, ngươi còn mơ hồ, lẫn lộn nên ngươi đã đẩy Âu Lạc, triều đình và muôn dân vào cơn mê hỗn độn.

Trong giấc mơ thanh bình của ngươi chứa nhiều hoang tưởng”.

Có lẽ, với một hình thế đất nước bên này là biển khơi, bên kia là núi dựng; thềm lục địa lại nối thẳng ra cửa ngõ giao thương Thái Bình Dương, mộng bá quyền, bành trướng gieo rắc từ mọi miền biên địa nên trong tự tánh của con dân Bách Việt đã mang sẵn AND của tỉnh thức, cảnh giác. Lại là người trưởng thành trong chiến tranh loạn lạc nên ngay khi đã thụ hưởng thái bình, ngòi bút Lê Duy Hạnh vẫn không thôi những trăn trở, ưu tư.

“Đối với Bắc phương ta phải để phòng. Ngoài mặt giả thâm tình nhưng nuôi mộng thôn tính bên trong” - trích Hoa độc trong vườn. “Đánh thắng giặc Thanh rồi phải ban giao với nhà Thanh. Kẻ thù hôm qua, nay phải xem là bạn.

Bạn là thù mà thù là bạn? Cuộc cờ này còn khó khăn hơn giải quyết ở chiến trường” - trích Trời Nam.

Đối với bậc minh quân, nhà cầm quyền, một khi không nhìn thấu họa chiến tranh từ trong thời bình. Mầm mất nước ngay cả khi đang cố công giữ nước, dựng nước thì điều gì đến ắt phải đến. Nên, bút lực Lê Duy Hạnh đã tạo nên một sân khấu thức tỉnh. Thức tỉnh thời nay từ những việc xưa. Thức tỉnh cuộc sống từ những trang sách sử. Thức tỉnh cháu con từ những bài học, nhân cách của cha ông.

Luận lại Bình Ngô đại cáo, Lê Duy Hạnh chất vấn Ức Trai: “Việc nhân nghĩa rõ ràng nên để yên dân. Quân điếu phạt có chính danh nên trừ được bạo. Còn thời bây giờ, việc nhân nghĩa mờ mờ ảo ảo. Biết làm cách nào để được yên dân? Điếu phạt ai khi không có chiến chinh? Ai phạt ai, làm sao trừ bạo?”.

Đau đớn thay, bi kịch Lệ Chi viên lại được “giải mật” theo lý lẽ rất… thường tình: “Ở chốn cung đình, ông tài giỏi hơn người khác mà không biết kết bè cánh để tạo thế lực. Tài giỏi mà đơn độc ở chốn cung đình là tự rước họa vào thân. Chính sự cả tin vào nhân nghĩa, yên dân, điếu phạt, trừ bạo đã giết chết ông. Vậy là ông tự giết mình” - trích Vua thánh triều Lê.

Thử hỏi, hơn 600 năm sau, liệu những bậc trí thức, tri giả có bớt đơn độc hơn chăng; lòng tin yêu dân, muốn phụng sự đất nước có được cơ hội ra sức tài bồi, tận hiến hay lại tự chuốc lấy họa khi xung quanh nhung nhúc bè phái, nhóm lợi ích?

Lê Duy Hạnh cùng lúc, nói như Diderot, ông vừa theo đuổi, níu giữ, bảo vệ ánh sáng đạo nghĩa dân tộc và đức hạnh làm người; vừa nhẫn nại, kiên trì, dũng mãnh để công phá bóng đêm của tội ác, giả dối, phi nhân.

Trong Dời đô, vị vua trẻ Lý Công Uẩn đã dõng dạc hỏi: “Quân xâm lược dùng bạo quyền để trấn áp dân ta là điều đương nhiên. Sao khi nước đã thuộc về ta mà ta vẫn không thay đổi? Hay vì ta lên ngôi không có xương máu, không mưu đồ tranh đoạt, ta lên ngôi do lòng tin của ba quân tướng sĩ, chúng dân nên ta muốn được đền đáp lòng tin đó. Dân không giàu có làm sao đất nước cường thịnh. Dân không tự do làm sao muôn nhà hạnh phúc”.

Tận cùng, sân khấu hay cuộc đời, vai diễn của mỗi người hay chức trách người công bộc đều không khỏi tự vấn trước những điều đã thuộc về muôn thuở. Đời thực là chất liệu để tạo tác thành vở diễn, vai diễn. Khi công diễn, nó lại được trả về cho đời những cảnh tỉnh, dự báo trước sau. Với ngòi bút thao thức và đau đáu, Lê Duy Hạnh đã không cho thấy đường biên giữa đời và sân khấu, thậm chí ông như mượn tuồng - trò để một phần lột trần cái mặt nạ hiện thực đang nhiễu nhương, điên đảo; phần còn lại để ông gửi gắm ước mơ, khát vọng, tình người…

Bởi sau cùng, giá trị cốt lõi lại chính là ở chỗ: “Dân đến với vua mới khó. Còn vua đến với dân chuyện quá dễ dàng. Những cách ngăn là do quy định của vua quan. Còn chúng dân, lòng rộng như biển khơi, muốn đến nơi nào cũng được”.

Sân khấu, nơi ấy ai cũng biết là giả - ảo nhưng tất cả đều tin và tỉnh vì những điều thật - thực đang được vang lên, truyền đi, ở lại, nó cần không chỉ để xoa dịu hay thanh lọc người xem mà đánh thức và rèn giũa những bài học trị vì xa xưa, quản trị thời nay bằng luân lý, hơn thế là đường đến chân lý luôn cần những “bảng chỉ dẫn”: “Mất nơi ở, người dân thành kẻ lưu cư. Mất đạo lý, thế đời trở nên điên đảo. Mất văn hiến, vận nước như thuyền không lái. Mất giống nòi, dân tộc như nước không nguồn” - trích Vua thánh triều Lê.

Để hiểu vì sao, công chúng luôn tin và cần có sân khấu!

Tags

Bình luận

Xem nhiều

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).




Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.


Người dân đón nhận chuyện tách nhập làng xã rốp rẻng bằng một tờ giấy A4, văn hóa lịch sử chịu phận “xếp tàn y lại để dành hơi” nhưng không thèm “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”.

Gần bốn năm kể từ thảm họa sạt lở đất kinh hoàng tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, vùng đất này đã thực sự hồi sinh.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất