Thế nhưng, thực tế trái ngược hẳn những gì họ mong đợi. Dù họ đã rất cố gắng, nhưng gà chết hàng loạt khiến vốn đầu tư dần cạn kiệt. Witjaksono nhanh chóng nhận ra rằng trang trại của anh cũng giống như nhiều trang trại khác trong nước đều chăn nuôi theo kiểu truyền thống, có rất ít cơ sở khoa học. Hầu hết các trang trại gà ở Indonesia không có nhiệt kế hoặc quạt thông gió để đảm bảo nhiệt độ tối ưu cho gà. Công nhân cũng không chú trọng đến việc cho gà ăn đều đặn… Việc nuôi gà, do đó, không hiệu quả.
Rút ra bài học từ thất bại, Witjaksono quyết dốc sức để góp phần vào hiện đại hóa nghề chăn nuôi gà của Indonesia. Người đàn ông 38 tuổi này đã đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp có tên Pitik (nghĩa là gà - theo tiếng địa phương) vào tháng 6-2021. Mục tiêu của Pitik là cung cấp cho nông dân nuôi gà công nghệ và kiến thức để giúp họ quản lý công việc kinh doanh một cách hiệu quả. Giờ đây, Pitik đã có hơn 500 đối tác là các trang trại nuôi gà trên khắp Indonesia. Các trang trại này được lắp đặt hệ thống cảm biến, phễu thức ăn, máy sưởi và quạt, được điều khiển từ xa thông qua smartphone.
Theo Pitik, các công nghệ này giúp kéo giảm tỷ lệ gà chết, trong khi hệ số chuyển đổi thức ăn (tỷ lệ giữa trọng lượng của gà và lượng thức ăn tiêu thụ) đã tăng lên đáng kể. Pitik cũng giúp nông dân dễ dàng mở rộng quy mô kinh doanh. Pitik cho nông dân thuê thiết bị hoặc cho mượn miễn phí nếu họ bán gà với giá bán buôn. “Trước khi biết đến Pitik, việc cho gà ăn theo phương pháp thủ công gặp rất nhiều khó khăn, dù chỉ là vài trăm con. Nhưng với công nghệ hiện đại, việc cho 35.000 con, thậm chí 40.000 con ăn rất dễ dàng”, Syuaeb - một người sử dụng dịch vụ của Pitik, cho biết.
Pitik chỉ là một trong số các công ty khởi nghiệp đặt mục tiêu hiện đại hóa ngành nông nghiệp của Indonesia. Có thể kể đến những cái tên nổi bật khác như Eratani trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, hay eFishery đang hợp tác với các trang trại nuôi cá. Theo các công ty khởi nghiệp trên, để nông dân ở các vùng nông thôn với vốn hiểu biết kỹ thuật số ít, nắm bắt được công nghệ thực sự là một thách thức.
“Tôi nhớ mãi lần hướng dẫn đặt máng ăn cho cá bằng smartphone 9 năm về trước. Những người nông dân khi đó cho rằng smartphone chỉ là một chiếc điều khiển từ xa, mà không biết rằng nó có thể dùng để gọi điện, nhắn tin… Mức độ hiểu biết về công nghệ của họ vào thời điểm đó rất thấp. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức để giới thiệu, hướng dẫn cho đến khi họ sẵn sàng dùng thử công nghệ mà chúng tôi cung cấp”, Aditya - đồng sáng lập eFishery, nói.
Witjaksono cho hay, giờ đây việc giới thiệu các công nghệ mới trở nên dễ dàng hơn nhờ các công ty tiên phong như eFishery. Việc dễ dàng tiếp cận với smartphone do giá thành rẻ đã giúp nông dân, nhất là những người trẻ tuổi, quen thuộc với việc cài đặt, sử dụng các ứng dụng. Quãng thời gian phong tỏa vì đại dịch Covid-19 cũng đã thúc đẩy nhiều người tiếp cận nhiều hơn với công nghệ.
Witjaksono tin tưởng những nông dân Indonesia đã sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ và điều này sẽ góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Indonesia phát triển, qua đó giúp giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực trong bối cảnh thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu cũng như năng suất thấp do lối canh tác lỗi thời.